Này Satan Hãy Nghe Đây - Chương 12


Chương 12: CHIẾN TRẬN THUỘC LINH 101

Chúng tôi đã thăm thành phố Santiago del Estero để tổ chức một chiến dịch truyền giảng kéo dài bốn mươi ngày. Trước khi tôi đến, một tu sĩ nổi tiếng cũng đã đến đó. Ông ta theo khoa cận tâm lý học, và đã đi khắp Châu Mỹ Latinh phủ nhận sự tồn tại của các phép lạ và sự chữa lành siêu nhiên. Ông nói với mọi người rằng ma quỉ không tồn tại. Khi tôi cùng với đội truyền giáo Sứ điệp Cứu Rỗi đến nơi, một phần của giáo hội Công Giáo địa phương thực sự nôn nóng để xem điều gì sẽ xảy ra, bởi vì họ đã nghe vị tu sĩ nầy chỉ mới vài ngày trước đó. Lời tường trình dưới đây về những gì đã xảy ra sau đó minh chứng quyền năng của Đức Chúa Trời kỳ diệu của chúng ta.
Ở thành phố Santiago del Estero Argentina, cứ đến ngày 22 hàng tháng thì giáo hội Thiên Chúa giáo địa phương lại có một loại nghi lễ. Vào tháng 10 năm 1990 hội chúng quyết định tổ chức một buổi diễu hành tôn giáo. Họ sắp sửa diễu hành ngang qua nơi Carlos Annacondia đang tổ chức một buổi truyền giảng.
Họ đã bắt đầu đám rước, nhưng có điều gì đó thật siêu nhiên và khó giải thích xảy ra vào ngày đó. Khi bốn người mang ảnh tượng tôn giáo đi ngang qua nơi tổ chức buổi truyền giảng, họ đều té xuống đất. Một vài người khác trong đám rước cũng té xuống. Điều đó đã xảy ra vào đúng lúc nhà truyền giáo đang cầu nguyện khai mạc, những người chứng kiến đều sợ hãi, và họ không hiểu được điều gì sắp xảy ra. Nhưng Đức Chúa Trời có một mục đích.
Vị tu sĩ dẫn đầu đám rước sợ hãi đến nỗi ông ra lệnh đưa ảnh tượng trở về nhà thờ lập tức, mặc dầu chiếc hòm thủy tinh quanh ảnh tượng đã bị vỡ nát hoàn toàn. Một số trong những người bị ngã cuối cùng phải vào bệnh viện, những người khác ở trong trại giải cứu. Những người khác nữa thì ở lại dự buổi truyền giảng, nghe Lời Đức Chúa Trời.
Về sau khi vị tu sĩ nhận biết điều đã gây ra sự cố trên, ông yêu cầu cảnh sát địa phương ngăn chận buổi truyền giảng, nhưng họ không thể. Các buổi nhóm đã chúc phước cho Santiago del Estero. Hai mươi tám ngàn linh hồn đã được cứu, và nhiều người đã được chữa lành. Như trường hợp một người phụ nữ bị mù từ khi sinh ra.
JUAN


Một Đức Chúa Trời Siêu Việt

Có một sự xôn xao lớn ở tại buổi truyền giảng khi sự kiện trên xảy ra. Người ta bắt đầu kéo đến để xem chuyện gì đã xảy ra. Một số những người đi gắn máy tưởng rằng có một tai nạn xe khủng khiếp nên đã gọi xe cứu thương. Một số những người khiêng cáng của chúng tôi, khi nhận biết điều đã xảy ra, lại đến để giúp đỡ. Cuối cùng một nửa số người trong đám rước đã phải vào bệnh viện, không ai bị thương nặng cả, và một nửa còn lại thì ở trong trại giải cứu.
Nếu bạn hỏi tôi điều gì đã xảy ra thì tất cả những gì tôi có thể nói là có một cuộc đối đầu giữa các lực lượng thuộc linh. Tôi không có ý gây bối rối cho ai cả, nhưng rõ ràng là những người nầy đã lo lắng về buổi truyền giảng của chúng tôi. Có lẽ họ nghĩ rằng đám rước nầy sẽ mang cho chúng tôi một sứ điệp. Nhưng kết quả thì lại chẳng như ý.
Bên trên chúng ta có một chiến trận thuộc linh không ngừng xảy ra trên không trung vì những linh hồn hư mất. Nếu Hội Thánh thắng hơn, hàng ngàn người sẽ được cứu, được chữa lành, được giải phóng khỏi sự giam hãm của ma quỉ. Hội Thánh của Chúa Cứu Thế có uy quyền làm điều đó. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta những thành phố, những quốc gia, những dân tộc, những làng mạc, chúng ta với tư cách là Hội Thánh Ngài, phải thi hành uy quyền mà Đức Chúa Trời đã ban cho mình.
Thật chẳng có ích gì khi phớt lờ sự kiện ma quỉ là kẻ thù chúng ta và là kẻ đối địch. Nhiều tín hữu thậm chí không muốn nhắc đến tên nó. Họ bảo “Tôi không nói về Satan” điều nầy chẳng giúp ích được gì cả. Chúa Jesus đã gọi tên nó, đối đầu với nó, đuổi nó ra, và cất đi quyền lực của nó. Bao lâu mà chúng ta còn phớt lờ, nó sẽ giống như một con sư tử rống tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy nó tiêu diệt những người hầu việc Chúa, các chức vụ, và các hội thánh.
Vị sứ đồ đã nói điều nầy như vầy, "chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, còn cả thế gian ở dưới quyền của ma quỉ” (I Giăng 5:19). Khi chúng ta đọc cụm từ “cả thế gian” có lẽ chúng ta nghĩ nó quá chung chung. Nhưng Kinh Thánh giải thích khái niệm nầy: “Ai không ở với ta, thì nghịch cùng ta; ai không thâu hiệp với ta thì tan ra” (Ma-thi-ơ 12:30). Trên thế gian nầy có hai loại người - những người thuộc về Chúa và những người không thuộc về Ngài. Trên thế giới nầy có rất nhiều người không thuộc về Chúa, vì vậy sứ mạng của chúng ta là phải giảng Tin Lành cho họ hầu cho họ có thể biết Đức Chúa Trời và được biến đổi bởi Lời Ngài.
Tôi tin rằng đây là lúc thực hành uy quyền Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Nhiều lần khi chúng ta cố gắng giữ quyền kiểm soát, Thánh Linh của Đức Chúa Trời vỗ nhẹ vào vai chúng ta và phán rằng: “Vì sao con không để Ta làm chủ?” nhưng chúng ta không muốn nghe điều đó. Tôi mong ước bạn nhận ra những việc lớn mà Chúa muốn làm qua bạn và trong bạn. Ngài có một mục đích cụ thể cho mỗi một người. Chúng ta cần tiếp nhận và cởi mở đối với Chúa để Ngài sử dụng mình giúp mở rộng vương quốc của Ngài.
Nhiều người trẻ hỏi tôi “Carlos, anh đã làm gì cho Chúa mà khiến Ngài ban cho anh chức vụ nầy?”.
Câu trả lời của tôi luôn luôn là “Các ân tứ đến từ Đức Chúa Trời đều được ban cho cách nhưng không. Đức Chúa Trời ban các ân tứ ấy cho Hội Thánh Ngài để đổ đầy ân điển trên Hội Thánh” tất cả những gì tôi có thể làm cho Chúa để Ngài ban phước cho tôi là những việc như là cầu nguyện và kiêng ăn. Nhưng tôi làm các điều đó để Ngài có thể làm mạnh mẽ tôi và ban cho tôi sự mạnh dạn để chống cự ma quỉ. Tôi không tin rằng mình có thể trả gì về những điều Chúa mong muốn ban cho ta. Ngài muốn xức dầu chúng ta và ban cho chúng ta ân điển; các ơn phước nầy là một quà tặng từ thiên đàng để trang bị chúng ta làm các công việc giống như Chúa Jesus đã làm trên đất nầy. Bước thứ nhất chúng ta cần phải có, với tư cách những Cơ Đốc Nhân, để làm vừa lòng Chúa là được biến đổi thật sự và được dâng cho Ngài. Điều nầy không dễ. Chúng ta luôn luôn sẵn sàng nhận từ nơi Ngài, nhưng chúng ta lại có một giai đoạn khó khăn để dâng cho Ngài điều Ngài yêu cầu chúng ta. Cách đây ít lâu, tôi có đọc một câu chuyện minh họa vấn đề trên. Một cậu bé hỏi cha mình “Bố ơi, bố sửa chiếc xe tải giùm con được không?” Người cha cầm lấy chiếc xe đồ chơi, xem xét, rồi trả lời “Con trai ạ, nếu con đưa cho bố những mảnh còn thiếu, bố sẽ sửa được”. Cậu bé hỏi “Cái gì còn thiếu cơ”.
Người cha trả lời “Phải, một cái bánh xe, một cánh cửa, cái đơva. Hãy đưa cho bố những mảnh ấy, thì bố sẽ sửa xe cho con”.
Cậu bé đi lấy hộp đồ chơi, và ở đó cậu tìm thấy mọi thứ bị mất ngoại trừ bánh xe. Sau khi lục lọi kỹ lưỡng, cuối cùng cậu đã tìm thấy chiếc bánh xe. Người cha sửa chiếc xe, và cậu bé rất sung sướng.
Nếu chúng ta thưa với Chúa rằng “Lạy Chúa con muốn Ngài sử dụng con. Con muốn Ngài sắp xếp trật tự cuộc đời con. Con muốn sự xức dầu của Ngài” Ngài sẽ yêu cầu chúng ta giao cho Ngài những thứ mà chúng ta chưa giao nộp. Khi chúng ta làm điều đó rồi, Ngài sẽ sử dụng chúng ta. Khi chúng ta bước đi trong ý muốn trọn vẹn của Chúa, mọi điều sẽ xảy ra mà chúng ta không phải lo lắng về nó.
Lần nọ tôi đến bệnh viện để cầu nguyện cho một người đàn ông bị bệnh. Bên cạnh giường của ông ta, có một bệnh nhân sắp chết, nhưng tôi không hề biết. Tôi cầu nguyện cho người tôi đến thăm, và ông ta được chữa lành. Thật ngạc nhiên, sau khi tôi ra về, người đàn ông sắp chết ấy ngồi dậy, và ông ta cũng được chữa lành. Người ta xôn xao, họ đã chứng kiến một phép lạ. Tôi không nghe gì về điều đó cho đến mãi về sau, khi có người có mặt tại đó thuật lại cho tôi.
Khi chúng ta bước đi theo chương trình của Đức Chúa Trời, các sự việc xảy ra. Sự xức dầu là hết sức quan trọng! Điều đẹp đẽ nhất Đức Chúa Trời có thể ban cho chúng ta là sự xức dầu và quyền năng của Đức Thánh Linh . Nếu chúng ta đi đúng ý muốn Chúa, mọi sự sẽ xảy ra. Sự xức dầu là một ơn ban từ Chúa cho hết thảy những ai tìm kiếm Ngài trong sự vâng lời.
Bởi vì chúng ta đang ở giữa chiến trận, nên chúng ta cần phải được xức dầu bởi Đức Chúa Trời để chiến đấu. Nhưng bạn có muốn biết kẻ thù của mình là ai không? Đó là chính ma quỉ và tất cả các thế lực của nó.
Một phóng viên ở thành phố Córdoba đã viết những điều sau đây trên một trong các tờ báo địa phương:
Có một người la hét và chiến đấu suốt đêm dài với ma quỉ. Tôi không biết ma quỉ có đi không hay nó chỉ sợ, điều tôi thật sự biết là ông ta đã bị điếc vì tất cả những tiếng gào thét ấy.
Người ta có thể nói bất cứ điều gì họ muốn, chúng ta sẽ chiến đấu chống lại kẻ thù nghịch của mình, là ma quỉ. I Phi-e-rơ 5:8 chép rằng: “Hãy tiết độ và tỉnh thức. Kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ như sư tử rống đi rình mò chung quanh anh em tìm kiếm nguời nào nó có thể nuốt được”. Ma quỉ là kẻ thù của Đức Chúa Trời và con cái Ngài.
Những việc như thông linh, macumba, umbanda, quimbanda, phù phép, khoa cận tâm lý học, thiền siêu nghiệm, bói toán, và kiểm soát bằng tâm trí... đang gia tăng rất nhiều gần đây, ở tại Argentina lẫn các quốc gia Mỹ Latinh khác. Bạn có biết vì sao không? Bởi vì Hội Thánh cứ an nhàn, vui hưởng các ơn phước của Đức Chúa Trời, trong lúc nhân loại trên thế giới đang chờ đợi để nghe Lời Chúa được rao giảng cho họ.
Để làm rõ điều nầy tôi muốn chia sẻ với bạn một khải tượng mà trước đây tôi có được, là khải tượng mà tôi đã mô tả ở chương 2 của sách nầy. Trong khải tượng đó Đức Chúa Trời cho tôi thấy một nơi đẹp đẽ mà tôi tin là thiên đàng. Tất cả những người có mặt đều bình yên và hạnh phúc. Nhưng tôi cũng đã nhìn thấy một hàng rào năm mét vây chung quanh. Khi tiến đến gần hàng rào, đám đông bên kia làm tôi kinh ngạc. Họ đang nằm dưới đất hầu như trần truồng dưới sức nóng thật khủng khiếp. Một số người cứ dán mắt vào ốc đảo, thân thể họ trông như những bộ xương, và môi họ nứt nẻ vì khát. Họ đang dang rộng tay và kêu khóc. “Xin cứu giúp chúng tôi.” Cách đó một khoảng, tôi có thể thấy những người khác đang loạng choạng và nói rằng: Xin làm ơn, chúng tôi cần sự cứu giúp!” Tiếng than khóc thật không thể chịu nổi. Tôi hiểu điều đó bày tỏ rằng Hội Thánh của Chúa Cứu Thế đang vui hưởng các phước hạnh và sự thịnh vượng thuộc linh của Ngài, trong lúc hờ hửng trước một thế giới đang kêu khóc. Chúng ta tham dự các hoạt động quan trọng, các kỳ hội nghị, các khóa hội thảo, các hội nghị chuyên đề, các buổi nhóm kết thân, và các chương trình đặc biệt trong các giảng đường xa xỉ. Nhưng Chúa Jesus bảo chúng ta “Hãy đi giảng Tin Lành.” Công việc duy nhất mà Chúa Jesus dự phần vào là những công việc có liên quan đến những linh hồn hư mất. Chúng ta hãy đi ra nơi sa mạc để tìm kiếm những người hư mất, họ đang đói khát Đức Chúa Trời, một Đức Chúa Trời hằng sống!


Một Kẻ Thù Khét Tiếng

Chúng ta có một kẻ thù để chiến cự. Hằng ngày nó tìm cách vồ bắt các linh hồn để họ không thể đến cùng Chúa Cứu Thế. Ê-phê-sô 6:10-12 chép rằng:
“Vả lại anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài. Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ. Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền cùng thế lực cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy”.
Điều nầy cho chúng ta biết rằng Satan chống lại sự phát triển của nước Đức Chúa Trời. Phaolô nói rằng chúng ta không chiến đấu cùng loài người, nhưng chiến trận của chúng ta nhằm chống lại các chủ quyền, các thế lực cùng các vua chúa của thế gian mờ tối nầy. Chúng ta cần biết mình đang chiến đấu chống lại ai. Nếu chúng ta biết kẻ mình đang chiến đấu là ai, chúng ta có thể chiến đấu đúng như mình phải chiến đấu.
Hiện nay chúng ta biết chiến thắng của mình là điều chắc chắn. Đội quân của Chúa Cứu Thế Jesus là đội quân duy nhất trên thế giới biết rằng trận chiến đã thắng rồi ngay cả trước khi họ bắt đầu chiến đấu. Như vậy vì sao ta lại cho ma quỉ lợi thế? Ma quỉ đang rình mò như sư tử rống, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được, nhưng Chúa Cứu Thế Jesus đã đến thế gian nầy để hủy phá mọi công việc của nó, và Ngài đã ban lệnh cho chúng ta cũng làm giống như vậy.


Vương Quốc Tối Tăm

Có các tôn ti trật tự trong nước của sự tối tăm. Theo như Lời Đức Chúa Trời, Satan là kẻ cai trị cao nhất vương quốc của nó (Ma-thi-ơ 12:26). Nó cai trị đội quân của sự tối tăm (Thi Thiên 78:49). Nó đi khắp vương quốc của nó, dạo chơi đây đó trên đất (Gióp 1:7) trong Kinh Thánh ma quỉ được gọi là “Vua chúa của thế gian nầy”, “chúa đời nầy” “con rồng lớn, hay con rắn đời xưa ” (Giăng 12:31; II Cô-rinh-tô 4:4; Khải Huyền 12:9; 20:2).


Các Chủ Quyền

Sứ đồ Phaolô nói rằng có các chủ quyền - những người cai trị hoặc cầm quyền - (Cô-lô-se 2:15, Ê-phê-sô 6:12). Theo tự điển các quyền cai trị hoặc các chủ quyền có nghĩa là quyền của vua, quyền tối cao. Đó là quyền hành cao nhất và là chính quyền trong chế độ phong kiến. Vua hoặc chủ quyền có quyền trên một quốc gia (Đa-ni-ên 10:13-20).


Các Thế Lực

Phaolô cũng nói rằng có các thế lực. Theo tự điển từ thế lực có nghĩa là “quyền hành, để yêu cầu và nhận sự vâng phục: quyền để đòi sự vâng lời: vị thế cao hơn xuất phát từ một vị trí mang theo nó quyền để ra lệnh và cho các quyết định tối hậu”. Satan có loại quyền nầy trong vương quốc của nó. Các chủ quyền ra lệnh và điều khiển tất cả mọi hoạt động bên trong khu vực kiểm soát quy định của nó.
Các lực lượng của thế gian mờ tối nầy kế đến trong các thứ bậc Phaolô nhắc đến “các thế lực của thế gian mờ tối nầy ” tự điển mô tả kẻ nắm quyền (hoặc thế lực) là những người cai trị và thi hành uy quyền, đặc biệt là trên một “khu vực hoặc một nhóm”. Chúng cũng là các quan chức được tuyển chọn hoặc bổ nhiệm để hành động như những kẻ cai trị, những người điều hành chính, hoặc các đầu não nhỏ thuộc một đơn vị chính trị. Vì vậy chúng ở dưới quyền của những kẻ đã chỉ định chúng.


Các Quỷ Sứ Và Lực Lượng Gian ác

Cho đến nay chúng ta thấy rằng tất cả các vị trí nầy do các quỉ sứ (các thiên sứ ác) chiếm giữ. Các hữu thể địa ngục nầy cũng giống như các sĩ quan trong một đội quân đang giữ trách nhiệm hoạt động (Ma-thi-ơ 25:41; Khải Huyền 12:19).
Các lực lượng, theo như tự điển, là “một nhóm các cá nhân đang bận rộn hoặc sẵn sàng chiến đấu”. Chúng cũng là một tập thể những người sẵn sàng hoặc đang phục vụ cho một mục tiêu cụ thể. Danh từ nầy được dùng để chỉ các thuộc hạ là những người chiến đấu cho một mục đích hoặc được sai đi để chiến đấu. Những người nầy không bao gồm những kẻ đứng đầu thứ tự trong quân đội. Các quỉ sứ là một phần của các lực lượng Satan, những kẻ mà theo lời Kinh Thánh không có thân thể hữu hình, song là những tà linh quỉ quyệt, hết sức khốn khổ và hung dữ.
Các lực lượng của Satan là các sứ giả của nó. Chúng đến và thống trị con người cũng như loài vật. (Ma-thi-ơ 8:28-32; 12:43-45; Mác 5:8-13). Chúng truyền các tật bịnh thuộc thể trên con người. Xem (Ma-thi-ơ 9:33; Mác 9:38-42). Chúng làm khổ, đem đến các tật bịnh tâm trí, và đẩy con người đến chỗ bại hoại và hủy diệt. (Xem Mác 5:4-5). Satan có một đội quân được tổ chức rất chu đáo, và ngay cả Chúa Jesus cũng đã nói rằng đội quân nầy không tự chia rẽ lẫn nhau.

Hiệp Một Để Chiến Đấu

Như chúng ta đã thấy, nước của sự tối tăm có tôn ti thứ bậc, và các lực lượng của nó hiệp lại để làm ác. Chúng ta, là những Cơ Đốc Nhân cũng phải làm một dưới quyền phép của Đức Chúa Trời để đối đầu và chiến thắng các lực lượng của kẻ ác. Trong lời cầu nguyện với Đức Chúa Cha, Chúa Jesus đã cầu nguyện cho sự hiệp một của hết thảy các Cơ Đốc Nhân:
“Để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha, lại để cho họ cũng ở trong chúng ta đặng thế gian tin rằng chính Cha đã sai con đến” (Giăng 17:21).
Hỡi các anh em, chúng ta phải hiệp nhất! Đừng để ý đến sự khác biệt trong các giáo phái. Chúng ta phải nên một trong Chúa.


Uy Quyền Của Chúa Cứu Thế Giê-Xu

Satan chỉ cho Chúa Jesus hết thảy các nước thế gian để cám dỗ Ngài, nó đem Ngài lên một nơi cao rồi bảo rằng: “Ta sẽ cho ngươi hết thảy quyền phép và sự vinh hiển của các nước đó , vì đã giao cho ta hết , ta muốn cho ai tùy ý ta ” (Luca 4:6). Chúa Jesus không phủ nhận điều nó vừa nói, Ngài nhìn xem điều được đề nghị cho mình và đã trả lời bằng các lời của Kinh Thánh: “Vì có lời chép rằng : Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi , và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi ” (Ma-thi-ơ 4:10). Satan nói rằng các nước đã giao cho nó. Nhưng ai đã giao cho nó? Đức Chúa Trời ư? Không đời nào. Hắn đã nhận lãnh các nước, nhưng không phải từ tay Đức Chúa Trời. Vậy thì hắn đã nhận lãnh các nước ấy từ tay ai?
Chúng ta hãy xem Sáng Thế Ký 1:28 và xem xét các phước hạnh mà Chúa giao cho con người khi Ngài ban cho con người quyền cai trị và làm cho đất thuần phục. Chúng ta biết rằng người cai trị có nghĩa “thi hành uy quyền, ra lệnh, hoặc có ảnh hưởng thống trị). Khi Đức Chúa Trời bảo con người hãy cai trị trên đất, Ngài cũng hàm ý rằng mọi sự đã thuộc về người ấy.
Ađam là vua của mọi tạo vật, nhưng khi ông bất tuân, ma quỉ là kẻ đang dạo chơi đây đó trên đất tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được, đã lấy mất uy quyền của ông và quyền sở hữu đất của ông. Ađam, vì cớ phạm tội, đã trao cho Satan uy quyền của mình. Điều nầy giúp chúng ta hiểu được rằng ma quỉ thật sự có quyền hành và thế lực và rằng chúng ta đang ở đây để chiến đấu chống lại nó và lấy khỏi nó mọi linh hồn đang bị cầm giữ trong vòng kiểm soát của nó. Chúng ta phải lấy họ trong danh của Chúa Jesus, hoặc Satan sẽ không thả họ ra.
Chúng ta đã xem xét một số những điều nầy trong chương 3, nên hãy xem lại một số điểm để có thể hiểu rõ vấn đề hơn.
Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng con người đã đánh mất sức mạnh và uy quyền của mình trên đất, nhưng Chúa Jesus đã trả món nợ đó. Khi Ngài sống lại, Ngài đã xóa bỏ tờ khế và hiện nay Ngài có đủ tư cách để đòi lại quyền sở hữu thế gian thông qua Hội thánh. Uy quyền đó cho phép chúng ta nói rằng “Hỡi ma quỉ, hãy thả điều không thuộc về ngươi ra” chúng ta lấy lại khỏi nó trong danh của Chúa Jesus người Naxarét. Satan đang chiếm đoạt thế gian, nhưng chúng ta có quyền lấy lại từ nó mọi thứ bằng uy quyền đến từ Đức Chúa Trời.
Liệu chúng ta có thể chống lại các thế lực gian ác bằng các khí giới tự nhiên như súng máy hoặc bom nguyên tử chăng? Không, chúng ta không thể. Nhưng chúng ta có loại vũ khí mạnh mẽ hơn; chúng ta có Đức Thánh Linh và sự xức dầu của Đức Chúa Trời. Điều đó giá trị hơn tất cả số lượng bom nguyên tử gộp lại.
Chúng ta phải chiến đấu như thế nào? Cũng như Đaniên đã chiến đấu, người của Đức Chúa Trời đã phán cùng ông rằng: “Hỡi Đaniên , đừng sợ vì kể từ ngày đầu mà ngươi đã chuyên lòng hiểu , hạ mình ngươi xuống trước mặt Đức Chúa Trời ngươi , thì những lời ngươi đã được nghe , và vì cớ những lời ngươi mà ta đã đến ” (Đa-ni-ên 10:10-12).
Đaniên đang cầu nguyện với sự thông hiểu vì ông nhận biết kẻ thù của mình là ai, dầu vậy cuộc kháng cự vua nước Pherơsơ đã kéo dài hai mươi mốt ngày vì cớ sự kháng cự của các chủ quyền gian ác.
Tôi tự hỏi những lời của Đaniên ở đây là gì. Tôi có thể thấy ông đang nằm trên sàn nhà cầu nguyện rồi sau đó ông nói rằng: “Nầy Satan, hãy nghe ta, hãy thả thành phố nầy ra. Hãy thả dân tộc nầy ra”. Tôi hình dung ông ra lệnh cho ma quỉ trong quyền năng và uy quyền của Thánh Linh ở trên ông để thả tất cả những gì ở dưới quyền kiểm soát của nó ra.
Nhiều khi chúng ta đòi một điều gì đó trong hai hoặc ba ngày, rồi chúng ta thôi. Chúng ta hãy lấy lại khỏi tay ma quỉ tất cả những gì nó đã cướp mất của chúng ta. Chúng ta cần kiên quyết và kiên trì trong lời cầu nguyện của mình. Hãy nghĩ đến tất cả những cuộc chiến đang được chiến đấu để được nhậm lời cầu nguyện. Nếu Satan đã cướp mất con trai của bạn, và hiện nay nó đang lạc mất ở giữa thế gian, hãy nói với Satan như vầy: “Hỡi Satan hãy nghe ta, trong danh của Chúa Jesus hãy thả nó ra . Ta truyền cho ngươi hãy thả nó ra trong danh của Chúa Jesus”. Hãy tiếp tục cầu nguyện và xác chứng bằng đời sống của bạn cho đến khi ma quỉ thả con trai bạn ra. Cuộc chiến của chúng ta là chống lại các thế lực gian ác các chủ quyền, cùng các thế lực, chứ không phải nghịch cùng loài người.
Trong một kỳ truyền giảng ở Santiago Del Estero, trong lúc tôi đang cầu nguyện với một nhóm các anh em, Đức Chúa Trời đã ban cho tôi một khải tượng mới. Tôi nhìn thấy một nhóm những người lùn ăn mặc như lính Lamã đang chạy ngược chạy xuôi. Binh giáp của họ rất giống binh giáp Lamã. Họ đang giẫm đạp lên các khí giới nằm la liệt dưới đất và tông vào nhau. Tôi không hiểu điều Chúa đang tỏ cho tôi. Vì vậy tôi hỏi Ngài “Lạy Chúa điều gì vậy? Xin tỏ cho con, con không hiểu”.
Ngài trả lời “Điều con thấy đó là các lực lượng của ma quỉ”. Tôi hỏi “nhưng...phải, vì sao họ lại va vào nhau như vậy?” Câu trả lời của Ngài là: “Điều gì xảy ra khi một đội quân mất đi vị chỉ huy? Họ không biết phải đi đâu. Vì vậy đó là điều đang xảy ra; họ chẳng biết phải đi đâu”.
Tôi hỏi một câu nữa: “Vì sao các khí giới lại nằm dưới đất?” “Khi một đội quân bị đánh bại, họ ném vũ khí dưới đất và sợ hãi bỏ chạy. Nếu một đội quân rút lui mà vẫn mang theo khí giới, có nghĩa là họ sẽ chuẩn bị tấn công trở lại. Nhưng kẻ mạnh sức đã bị trói, và các thế lực của nó đã bị đánh bại. Ta đã mở một con đường!”
Bây giờ bạn sẽ hiểu tại sao, sau chiến trận thuộc linh khủng khiếp chúng tôi trải qua tại Santiago del Estero, hai mươi sáu ngàn người trong số hai trăm ngàn người sống trong tỉnh ấy đã dâng cuộc đời mình cho Chúa Jesus. Ma quỉ đã bị đánh bại!
Satan làm mù tâm trí của những người không tin. “Khi Tin lành bị che khuất là bị che khuất cho những kẻ hư mất” (II Cô-rinh-tô 4:3). Vậy thì chúng ta có thể làm gì? Chúng ta sẽ vẫn tiếp tục cầu nguyện và nói rằng “Hỡi Satan hãy nghe đây, hỡi linh của sự vô tín, hãy thả tâm trí của những người ngươi đã cầm giữ ra trong danh của Chúa Jesus người Naxarét”. Đó là điều hữu hiệu nhất chúng ta có thể làm.
Cuộc truyền giảng đầu tiên của tôi là ở trong các khu ổ chuột. Tôi được mọi người gọi là “Mục sư của khu ổ chuột”. Những người hiểu rõ Kinh Thánh thì nói rằng “những gì Carlos giảng, ông chỉ có thể giảng trong những nơi như thế” tôi chỉ có ba sứ điệp được chuẩn bị. Vì vậy tôi chỉ có thể giảng trong ba ngày ở một nơi.
Sau đó tôi được mời để giảng cho những người thuộc giai cấp xã hội cao trong một khu vực dân cư đẹp đẽ. Con gái vị Tổng thống đã sống ở đó. Bạn có biết tôi giảng gì không? Cũng các sứ điệp đó giống như đã giảng trong các khu ổ chuột. Bạn có biết kết quả thế nào không? Giống nhau.
Chúng ta nói gì thật sự không quan trọng. Chính điều quan trọng là công việc của Đức Thánh Linh trong người ta. Thậm chí nếu tôi cho ai đó một chiếc xe hơi hoặc một chiếc gắn máy làm quà, thì người ấy cũng không được biến đổi. Không phải bởi những lời diễn thuyết hoặc những lời khôn ngoan của con người mà chúng ta đem được một linh hồn về với Chúa. Khi Hội Thánh, trong danh của Chúa Jesus giật lấy từ tay Satan điều nó đã lấy đi, ngay khi tà linh ra đi, người ta sẽ hiểu được ánh sáng của Tin Lành. Ánh sáng ấy sẽ chiếu rọi trong đời sống họ. Nếu chúng ta thực hành phương pháp nầy, hàng ngàn linh hồn sẽ đến cùng Chúa.

Này Satan Hãy Nghe Đây - Chương 11


Chương 11: SỰ BẢO VỆ THUỘC LINH

Đức Thánh Linh đặt để sự che chở bảo vệ trên dân sự Ngài. Câu chuyện sau đây cho thấy sự bảo vệ của Ngài dành cho tôi khi đối diện với sự đe dọa của tử thần.
Khi còn nhỏ, tôi thường bị mẹ tôi đánh đập rất nhiều. Vì vậy cuối cùng tôi đã quyết định bỏ nhà ra đi. Tôi nhận được những lời khuyên xấu, và tôi bỏ đi với một nhóm người mà tôi chỉ mới gặp. Họ bảo tôi rằng họ sẽ lo cho tôi, và sống với họ sẽ an toàn hơn là sống với gia đình tôi. Trong cùng buổi tối hôm đó tôi đã dọn đến ở với họ, tôi bắt đầu hút cần sa. Không lâu sau đó tôi đã nghiện ma túy.
Tôi càng ngày càng hút nhiều hơn, ma túy bắt đầu ngăn chận mọi sự kềm chế của tôi. Khi ở dưới ảnh hưởng của ma túy, tôi thường trần truồng ở trước mặt các bạn và để họ chụp hình tôi. Họ đưa tôi đến một người đàn bà dạy tôi cách thoát y vũ khiêu dâm.
Những người bạn nầy đưa tôi đến một buổi cầu cơ, hứa rằng nhờ đó sẽ giúp tôi cảm thấy khá hơn.
Tôi hoàn toàn nô lệ với đám bạn nầy, và không thể thoát ra khỏi mối quan hệ đó. Họ bảo tôi ký một giao kèo, và dọa giết tôi nếu tôi bỏ đi.
Tôi ngày càng nghiện ma túy. Thậm chí tôi còn phải chích vào ngực. Một vài lần tôi bị bắt, nhưng luôn luôn có người nào đó chuộc tôi ra. Một lần nọ trong sự tuyệt vọng, thậm chí tôi đã đánh cướp một tiệm thuốc tây để có được ma túy.
Một ngày nọ tôi đến dự một buổi hòa nhạc, có gì đó đã xảy đến với tôi đêm hôm đó. Chàng ca sĩ nhạc rock ấy đã trở thành thần tượng của tôi. Tôi mua những tấm áp phích lớn có hình anh ta, những chiếc áo sơ mi có in hình anh ta ở trên đó, và bất cứ thứ gì khác mà tôi có thể tìm được. Tấm áp phích lớn của anh ta treo trong phòng tôi có thể nói chuyện với tôi. Lúc đầu tôi không thắc mắc nhiều lắm về điều nầy, nhưng chẳng bao lâu sau bức hình ấy đã có một quyền lực ở trên tôi. Một trong những buổi trò chuyện của chúng tôi, tôi kể cho anh ta nghe mọi chi tiết của cuộc đời tôi. Cuối cùng tôi bắt đầu cảm thấy rằng con người ấy đang sống ở bên trong tôi và kiểm soát tôi. Không lâu sau đó, tôi lại bị bắt và bị đưa vào một viện tâm thần, tại đó tôi bị nhốt trong một căn phòng nhỏ chỉ có một mình. Ngay cả tại đó tôi cũng tiếp tục bị người ca sĩ nhạc rock nầy ám ảnh.
Tôi đã nghe về một cuộc truyền giảng của Annacondia trong thành phố Rosario. Tôi thật muốn đi, vì vậy tôi đã đến đó. Khi Annacondia bắt đầu quở trách ma quỉ, một điều gì đó khủng khiếp đã xảy ra. Từ chỗ tôi đang đứng tôi bắt đầu rủa sả và lăng nhục ông ta. Tôi gào thét và bảo ông phải im đi.
Vài ngày sau đó con người đang kiểm soát trong tôi nói với tôi rằng: “Hãy lấy một con dao và giết nhà truyền giáo ấy đi” tôi trả lời rằng không có cách nào để làm được điều đó, nhưng anh ta cho tôi một kế hoạch: “Hãy giấu con dao trong áo của ngươi, và đi lên xin được đặt tay cầu nguyện. Khi nhà truyền giáo đến gần cô, hãy giết ông ta. Đừng sợ, tôi sẽ bảo vệ cô”.
Đêm hôm đó, tôi đến dự buổi truyền giảng và tiến lên phía trước trong hàng người cầu nguyện, sẵn sàng để giết Annacondia. Nhưng khi tôi vừa tiến gần đến nhà truyền giáo, tôi té xuống đất và được đưa vào trại giải cứu, tại đó họ tìm thấy con dao được giấu trong áo quần tôi. Họ cầu nguyện nhiều tiếng đồng hồ cho tôi. Tôi từ bỏ quyền lực của viên ca sĩ nhạc rock ở trên tôi, tôi xin Chúa tha thứ tôi vì đã bán ma túy và những tội khác tôi đã phạm. Khi được giải cứu tâm linh, nhiều quỉ đã xuất ra khỏi tôi, và tôi đã xưng nhận toàn bộ sự thật. Vào cuối buổi truyền giảng, Carlos đã đến và cầu nguyện cho tôi. Trong khi họ đang cầu nguyện giải cứu cho tôi, thì tôi viết xuống mọi điều ma quỉ đang nói với tôi trong số những điều khác, chúng bảo “Annacondia, các quỉ ghét ngươi”. Các tà linh cũng bảo tôi vẽ một chiếc quan tài có Annacondia bên trong và một câu như vầy “Hãy giết nhà truyền giáo”. Ngày nay tôi đã được buông tha hoàn toàn, và tôi thường xuyên cùng với gia đình nhóm lại tại một nhà thờ.
ANA


Sự Can Thiệp Của Đức Chúa Trời

Vào đêm cuối cùng của buổi truyền giảng được tổ chức tại thành phố San Martin, hơn một trăm ngàn người đã có mặt tại đó. Khi tôi sắp bước lên tòa giảng để cầu nguyện cho những người có nhu cầu, thì một trong những người phụ tá tôi nói rằng “đừng bước lên, anh Carlos, xin đừng bước lên!” Tôi ngạc nhiên, nên hỏi: “Vì sao? có chuyện gì vậy?” Anh ta trả lời: “Những người giữ gìn trật tự vừa cho chúng tôi biết rằng, trong số những người bước lên cầu nguyện có một số người nam được trang bị khí giới để bắn ông ngay lúc ông bước lên bục giảng”.
Tôi nói “Đừng lo lắng, tôi phải cầu nguyện cho người bịnh, họ cần được cầu nguyện, đó là nhiệm vụ của tôi. Đây là điều Đức Chúa Trời kêu gọi tôi làm. Điều gì đó sẽ xảy đến với những kẻ ấy. Tôi sẽ cầu nguyện cho những người mà Chúa Cứu Thế Jesus đã đưa đến đây. Nếu Ngài muốn tôi cầu nguyện cho họ, Ngài sẽ giữ gìn tôi. Vài phút nữa anh sẽ thấy họ rời bục giảng, vùng vẫy trên đường được đưa đến trại giải cứu”.
Và điều đó đã xảy ra. Ngay lúc tôi tiếp lấy chiếc micro và nói “Lạy Chúa Jesus” những người đàn ông đó té xuống đất, bị quỉ ám, và phải được đem đến khu vực giải cứu tâm linh. Tức là đưa đến trại giải cứu. Tại đó họ thú nhận rằng họ đến và chuẩn bị để giết tôi. Một người đàn ông mặc đồ trắng và là một thầy tế lễ ma thuật trắng đã trả tiền cho họ và cung cấp khí giới cùng phương tiện để họ thi hành kế hoạch. Nhưng Chúa đã ban cho chúng ta uy quyền để giày đạp đầu Satan. Chúng ta không đặt lòng tin nơi một Đức Chúa Trời làm bằng giấy bồi hoặc bằng nhựa, nhưng nơi một Đức Chúa Trời là Đấng sống.
Những kinh nghiệm nầy và những kinh nghiệm khác nữa cho thấy rằng Đức Chúa Trời đã đưa tôi qua sự quả quyết ngày càng nhiều hơn rằng Ngài thường làm việc bằng những phương cách siêu nhiên và kỳ diệu. Tôi đã có những từng trải cá nhân hằng ngày và xác quyết được sự hiện hữu của sự bảo vệ thuộc linh. Đức Chúa Trời đã hứa rằng một phần “các dấu lạ sẽ cặp theo những kẻ tin”. Có cả lời hứa của sự che chở và bảo vệ, về phương diện thuộc linh cũng như thuộc thể, cho hết thảy con cái Ngài. Kinh Thánh chép rằng: “...Họ sẽ bắt rắn trong tay , uống giống chi độc cũng chẳng hại gì ” (Mác 16:18). Khi lời nầy được viết ra, chưa có các vũ khí hiện đại, nhưng đã có những chất độc chết người. Đó là phương cách dễ dàng và hiệu quả nhất để giết một người mà không để lại dấu vết nào. Tất nhiên, sự hữu hiệu của phương pháp nầy nằm ở chỗ không có thuốc giải độc được biết vào thời đó.
Mọi thứ chúng ta rờ đụng bằng tay mình, bên ngoài, cũng như mọi thứ đi vào cơ thể chúng ta, đều sẽ không hiệu quả nếu Đức Chúa Trời bảo vệ chúng ta. Tuy nhiên đừng bao giờ quên rằng để có được sự che chở đó, cùng với tất cả những dấu lạ khác điều cần thiết là phải tin.


Mưu Sát Bằng Súng Trường

Tại một trong các buổi truyền giảng của chúng tôi tại thành phố San Justo, ở Buenos Aires, từ một bãi đất trống kế cận địa điểm tổ chức truyền giảng, một người đàn ông với khẩu súng trường bắn tỉa đang nhắm vào tôi với mục đích giết tôi. Về sau chính ông đã thuật lại cho tôi rằng cứ mỗi lần ông ta nhắm vào tôi, thì có một đám sương mù bao phủ bục giảng ngăn không cho ông nhắm mục tiêu để bắn. Ông có thể nhìn thấy một gương mặt xuất hiện và che chắn tôi, điều nầy xảy ra nhiều lần. Ông ta cũng nói rằng mỗi lần ông định bắn thì viên đạn lại không có trong nòng. Khi ông nhắm vào chỗ khác và lên cò, thì lại được, nhưng lúc ông nhắm vào tôi, điều tương tự lại xảy ra. Sau nhiều lần cố gắng, ông đã kết thúc trong trại giải cứu và nhận được sự giải cứu.
Những điều tương tự vẫn thường xảy ra trong các buổi nhóm khác nhau mà tôi tham dự, tại đây ở Argentina cũng như nhiều nơi khác trên thế giới. Những người đã cam kết thi hành đại mạng lệnh, cầu nguyện cho người bệnh, và thi hành uy quyền để đuổi quỉ thường là mục tiêu của sự tấn công như vậy. Khi một Hội Thánh cam kết để giảng Tin Lành thì thường là Hội Thánh phải chịu sự tấn công.


Các Thiên Sứ Vây Phủ Quanh Tôi

Kinh Thánh phán rõ rằng: “Thiên sứ của Đức Giêhôva đóng trại chung quanh những kẻ kính sợ Ngài ” (Thi Thiên 34:7). Nhiều người đến dự các buổi truyền giảng của chúng tôi thuật lại rằng khi họ đến địa điểm truyền giảng, họ nhìn thấy các thiên sứ chung quanh bục giảng, chung quanh tôi. Một số trong những người nầy không phải là tín đồ, vậy mà họ đã nhìn thấy các thiên sứ. Đó là những dấu hiệu siêu nhiên của Đức Chúa Trời. Tôi luôn xin Đức Chúa Trời sai các đội quân thiên sứ của Ngài vây phủ tôi. Nếu họ đã giúp đỡ các đấng tiên tri, họ cũng làm như vậy với chúng ta ngày nay. Các thiên sứ rất quan trọng trong công cuộc truyền giáo. Một lần nọ vào cuối buổi truyền giảng ở tại thành phố Mar del Plata, chúng tôi quyết định tổ chức cuộc truyền giảng nữa trong một kho hàng ở tại Buenos Aires, một vùng đất tư nhưng rất rộng rãi. Nơi đó có một cuộc truyền giảng kéo dài ba ngày. Giờ phút bắt đầu giảng tôi nghe có tiếng đá rơi trên mái nhà. Tôi ngưng giảng, và ở trước mặt mọi người, tôi nói: “Trước khi kỳ truyền giảng nầy kết thúc, người nào đang ném đá trên mái nhà sẽ có mặt ở đây trong căn phòng nầy để xin Chúa tha thứ, và người ấy sẽ dâng đời sống mình cho Chúa Cứu Thế Jesus”. Và tôi tiếp tục giảng.
Vào ngày thứ hai, tôi bắt đầu giảng, đá lại rơi trên mái nhà. Tôi không nói gì cả mà tiếp tục giảng Lời Chúa. Đến giờ người ta đứng lên và làm chứng, có một thanh niên tiến lên bục giảng, anh ta vừa khóc vừa nói:
“Tôi chính là người đã ném đá lên mái nhà, và tôi không thể tin điều đã xảy ra cho tôi. Tôi lấy một tảng đá lớn. Tôi muốn ném xuyên qua mái nhà vào ông và giết ông. Khi định ném tảng đá ấy, tay tôi bị tê cứng. Các ngón tay tôi đã bị quẹo đi, và hòn đá rơi xuống đất. Nhưng đó chưa phải là tất cả; tôi cảm thấy có hai bàn tay thật mạnh đẩy tôi và tôi tiến về phía trước gần một mét rưỡi. Tôi quay ra sau, nhưng không thấy ai cả. Tôi cảm thấy bị đẩy một lần nữa, nhưng vẫn không có ai ở đó cả. Từng cái đẩy một đã đưa tôi vào cổng ngôi nhà nầy. Cái đẩy cuối cùng mạnh đến nỗi tôi lọt vào giữa hội chúng, và khi tôi muốn đứng lên thì tôi không đứng được”.
Đó là lời làm chứng của anh ta buổi tối hôm đó, người thanh niên nầy đã tiếp nhận Chúa Cứu Thế làm Cứu Chúa duy nhất của mình. Trước khi rời bục giảng anh ta nói với tôi, “Xin lỗi tôi có thể nói chuyện với ông được không?”, Tôi trả lời: “Được”.
Anh ta đưa hai tay lên trời và nói lớn tiếng: “Hoan hô Chúa Cứu Thế!” Và vừa đi xuống bục giảng anh vừa khóc, người thanh niên đã đến đó không những chỉ oán ghét Đức Chúa Trời mà còn ghét bất cứ ai nói về Chúa. Nhưng anh đã ra về với Chúa Cứu Thế trong đời sống mình. Nếu bạn hỏi tôi ai là người đã đẩy anh vào buổi nhóm, tôi sẽ nói rằng đó là một thiên sứ. Đức Chúa Trời sai các thiên sứ Ngài để giúp đỡ chúng ta trong công tác truyền giáo.
Cuộc truyền giảng đầu tiên của tôi diễn ra ở tại một khu rất nghèo. Khi buổi nhóm kết thúc tôi phát hiện người lãnh đạo một băng đảng địa phương đã tiếp nhận Chúa. Bạn bè anh ta tưởng rằng tôi đã tẩy não anh ta. Cuối buổi nhóm, họ quyết định sẽ giết tôi.
Tất nhiên tôi không hề hay biết gì cả, buổi nhóm kết thúc, tôi vào xe cùng với gia đình và từ từ về nhà. Một số các anh em đang đứng ở cửa nhà thờ vẫy tay chào chúng tôi khi chúng tôi chạy ngang. Ngay chính giờ phút đó, một nhóm những người đàn ông vũ trang bước khỏi chỗ nấp để bắn chúng tôi. Không hề để ý đến họ, tôi đưa tay ra khỏi cửa sổ xe để vẫy lại các anh em, và sau đó tôi lái xe đi. Hôm sau các anh em thuật cho tôi nghe rằng khi tôi đưa tay vẫy trả lại họ, những người đàn ông vũ trang đang nhắm bắn chúng tôi đã té xuống đất.
Qua kinh nghiệm đó Chúa dạy chúng tôi rằng Ngài là Đấng gìn giữ chúng tôi. Satan muốn tiêu diệt chúng ta, nhưng Chúa bảo chúng ta chớ lo lắng, thậm chí nếu họ cho chúng ta uống thuốc độc, nó cũng sẽ không làm hại chúng ta. Đó là quyền năng bảo vệ của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta tấn công vào địa ngục, ma quỉ sẽ không chịu yên, nó sẽ tìm cách tiêu diệt chúng ta càng nhanh càng tốt.
Nhiều khi người ta nghĩ rằng những người rao giảng Lời Chúa thì không bị tấn công, nhưng không phải như vậy. Tôi là mục tiêu sự tấn công liên tục của Satan, và gia đình tôi cũng vậy. Dầu vậy, tôi không lo lắng, vì cớ vợ tôi, cũng như các con và các cháu tôi, tất cả đều được buộc vào chân Chúa Cứu Thế và ở dưới sự bảo vệ hoàn toàn của Đức Chúa Trời.

   
Chiếc Xe Hơi Cũ Bốc Cháy

Có một khu ổ chuột ở Argentina gọi là Itati. Đó là khu ổ chuột lớn nhất và nguy hiểm nhất trong vùng. Khi chúng tôi tổ chức một chiến dịch truyền giảng tại đó, rất nhiều người được cứu mỗi ngày. Một ngày nọ trời mưa suốt ngày, đường phố đầy sình lầy. Không thể nào lái xe vào khu vực nầy được, vì vậy tôi quyết định bỏ xe ở một khu vực gần đó và đi bộ. Tôi có một chiếc xe Citroen rất cũ, nó nhẹ và rất dễ di chuyển. Một đám cướp có vũ trang quyết định đổ xăng lên xe, bật diêm, và đốt xe. Nhưng có điều gì đó thật kinh ngạc và siêu nhiên đã xảy ra buổi tối hôm đó. Mỗi khi một người trong số họ quyết định đến gần chiếc xe, anh ta lại bị té xuống đất. Khi họ đã xoay xở và đến gần đủ để đẩy xe đi, thì bảng số xe bốc cháy, họ không tài nào đụng đến nó được!
Điều tương tự cũng đã xảy ra. Một đêm nọ, khi hai anh chàng đột nhập vào lều nơi chúng tôi tổ chức các buổi nhóm và ăn cắp một số ghế ngồi cùng với các đồ đạc khác. Một số trong những người phụ giúp chúng tôi hết sức tức giận. Họ không thể biết được vì sao một chuyện như thế lại có thể xảy ra được, vì vậy chúng tôi cầu nguyện xin Chúa can thiệp.
Vài ngày sau những tay ăn trộm ấy trở lại cùng với các ghế ngồi và một số đồ đạc. Họ thuật cho chúng tôi rằng họ rất hối tiếc vì điều họ đã làm. Họ cũng nói rằng những đồ vật ấy có cái gì rất kỳ lạ, cứ mỗi khi họ tính ngồi lên các chiếc ghế, thì chúng lại bốc cháy. Điều kỳ lạ cũng đã xảy ra với các món đồ khác mà họ đã ăn cắp. Họ hết sức sợ hãi và nghĩ rằng các vật ấy đã được làm phù phép. Nhưng đó chính là quyền phép siêu nhiên của Đức Chúa Trời. Tôi tin Chúa đã phán cùng tôi “Con sẽ rao giảng quyền năng của Ta, các dấu lạ sẽ theo sau. Các phép lạ sẽ xảy ra, và các quỉ sẽ xuất ra. Hãy cẩn thận người ta sẽ tìm cách tiêu diệt con! Nhưng Ta sẽ ở cùng con”. Tôi có một nơi sưu tập các vũ khí và các loại dao ở trong trại giải cứu bị bỏ ra bởi những người đã nói rằng: “Tôi muốn giết Annacondia”.


Hãy Đến Nơi Người Ta Đang Sống

Chúng ta không kinh nghiệm những điều nầy ở bên trong Hội Thánh, mà ở ngoài các đường phố, nơi ma quỉ đang nằm trong tư thế đề phòng. Con cái Đức Chúa Trời nhóm lại trong các nhà thờ, còn ở ngoài đường phố là nơi các tạo vật của Đức Chúa Trời có thể được tìm thấy. Nhiều người thắc mắc vì sao Hội Thánh không kinh nghiệm được những điều nầy, song các chức vụ truyền giáo thì lại kinh nghiệm. Câu trả lời rất đơn giản, chúng ta đang truyền giáo ở ngoài đường phố, trực tiếp vào tiền tuyến. Tuy nhiên chúng ta có được sự bảo vệ hoàn toàn của Đức Chúa Trời. Satan muốn ngăn chận Hội Thánh phát triển, nhưng Hội Thánh thậm chí càng phát triển hơn. Những sự bày tỏ quyền năng Đức Chúa Trời đang ngày càng gia tăng. Hễ khi nào chúng ta rao giảng trong các công viên, các quảng trường của thành phố, và ngoài đường, các dấu kỳ và phép lạ có ở đó để mọi người đều thấy.
Trong ví dụ về con chiên lạc mất, Chúa Jesus kể cho chúng ta nghe về người chăn đã để chín mươi chín con chiên phía sau để đi tìm con chiên lạc mất (Luca 15:1-7) Ngài cũng nói rằng có sự vui mừng lớn ở Thiên đàng khi một kẻ có tội ăn năn (Luca 15:10). Đức Chúa Trời quan tâm đến một kẻ hư mất hơn là chín mươi chín người công bình không cần phải ăn năn. Tấm lòng của Chúa ở cùng con chiên lạc mất, và mắt Ngài luôn dõi theo những kẻ tìm kiếm con chiên lạc mất. Ngài sai các thiên sứ Ngài chăm sóc đặc biệt những người đi ra tìm kiếm kẻ lạc mất bởi vì họ đang ở trong sự nguy hiểm và nguy cơ luôn luôn. Hội Thánh biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, nhưng cả thế gian đang bị Satan cai trị và đang hư mất.
"Chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, còn cả thế gian đều phục dưới quyền ma quỉ" (I Giăng 5:19).
Nếu bạn muốn ở trong trung tâm ý muốn Đức Chúa Trời, hãy tìm kiếm người hư mất. Đó là nơi Đức Chúa Trời đang ở cũng như toàn bộ quyền năng siêu nhiên của Ngài có mặt. Vì vậy nếu đó là điều bạn làm, bạn sẽ bắt đầu bước đi trong một chiều kích khác.
Bất chấp điều đó, Hội Thánh mắc phải một sai lầm lớn là ngăn trở sự phát triển của mình và dời mục tiêu khỏi công tác truyền giáo. Hội Thánh ngày càng trở nên một tôn giáo, chỉ là một thói quen, và quyền năng siêu nhiên của Đức Chúa Trời mất đi sức mạnh. Chúa Jesus đã dạy dỗ trong các nhà hội, nhưng các phép lạ thường xảy ra bên ngoài nhà hội, đó là nơi người ta cần được thấy để tin. Khi Môise trở về Aicập, dân Ysơraên phải nhìn thấy các phép lạ bằng chính mắt họ để tin rằng Chúa đã sai ông. Họ đã công nhận ông là người lãnh đạo họ vì những sự tỏ ra mà họ đã được chứng kiến. Nếu không có các dấu lạ từ Chúa chúng ta chỉ là những người mộ đạo, và Hội Thánh trở thành một tôn giáo. Các biểu hiện siêu nhiên của Đức Chúa Trời là những phép lạ tồn tại để cho thế gian sẽ tin và được cứu. Đó là lý do vì sao Hội Thánh phải có các biểu hiện nầy ở giữa mình. 

Này Satan Hãy Nghe Đây - Chương 10


Chương 10: BÁP TEM TRONG THÁNH LINH

Ai là người có khả năng thay đổi đời sống của con người? Không ai thật sự có thể đem lại một sự thay đổi triệt để và lâu bền trong đời sống của con người cả. Người ta chỉ có thể sửa đổi những thói quen nhất định nào đó, nhưng rốt cuộc, những thói cũ rồi cũng sẽ trở lại. Chỉ Đức Thánh Linh mới có quyền phép để biến đổi một cuộc đời và đem lại những sự thay đổi lâu dài.
Suốt nhiều năm tôi cứ nghĩ rằng Đức Thánh Linh chỉ đụng đến đời sống của những người sống trong sự thánh khiết. Nhưng khi suy nghĩ về điều đó, tôi nhận ra rằng chính Đức Thánh Linh là Đấng thánh hóa đời sống họ. Đối với tôi, để được đầy dẫy và báp tem bằng Thánh Linh, Đức Thánh Linh cần phải đến với đời sống tôi. Làm thế nào tôi có thể trở nên thánh khiết nếu Ngài không ngự trị trong tôi?
Vì vậy nhiều lúc trước đây tôi đã cố gắng thay đổi, nhưng không thể. Song, một khi tôi đã gặp Chúa, và Thánh Linh đã bắt đầu làm việc trong đời sống tôi, thì điều đó xảy ra. Chúng ta cần có Đấng yên ủi ở trong mình để có thể đạt đến sự thánh khiết và nhận được sự đầy trọn của Ngài. Qua các buổi truyền giảng và nhiều lời làm chứng khác nhau, Đức Chúa Trời đã bắt đầu chỉ cho tôi thấy công việc của Đức Thánh Linh trong đời sống của con người.
Khi tôi đang giảng tại một trong các buổi truyền giảng đầu tiên của chúng tôi, tôi nhìn thấy một phụ nữ tiến về phía bục giảng. Bà ta đang cố gắng giữ chặt một người đàn ông. Ông ta hoàn toàn say rượu và khó mà đứng nổi trên chân mình. Họ đang bước đi với sự khó khăn hết sức. Cứ hai bước tiến, thì một bước lùi, cuối cùng họ cũng đến được bục giảng. Tất nhiên, người đàn ông nầy không thể đi xa được, nếu người đàn bà thả tay ông ra, ông sẽ té sấp xuống lập tức. Tôi bắt đầu nói với hội chúng về tội lỗi và về sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Tôi mời những người muốn tiếp nhận Chúa vào lòng đưa tay lên. Tôi thấy người đàn bà nầy nhấc bàn tay của người đàn ông say rượu lên, khuyến khích ông lập lại lời cầu nguyện đức tin. Nhìn thấy điều đó, tôi nghĩ rằng đây là một phụ nữ Cơ Đốc có một ông chồng say rượu và cách duy nhất để đem ông ta đến buổi truyền giảng là để ông ta say. Tôi tiếp tục cầu nguyện cho những linh hồn đã đầu phục Chúa. Tôi cầu nguyện giải cứu, cho những người đau ốm, và cuối cùng tôi cầu nguyện cho việc báp tem bằng Đức Thánh Linh.
Buổi tối hôm đó, nhiều người làm chứng lại họ được chữa lành, họ được giải cứu. Thình lình tôi thấy người đàn ông say rượu ở trên bục giảng cũng đang đợi để được làm chứng. Tôi tuyệt vọng nhìn quanh xem có người nào giúp tôi đưa ông ta xuống chăng. Đây không phải là lần đầu tiên có chuyện như thế xảy ra, và điều đó có thể gây ra sự bối rối. Khi tôi đến gần người đàn ông, ông ta mỉm cười với tôi, và tôi để ý thấy ông ta không loạng choạng nữa. Điều đó làm tôi ngạc nhiên, và rồi tôi thấy ông ta giơ tay lên, khi tôi định hỏi ông muốn chia xẻ điều gì, tôi nhận ra rằng ông ta đang nói các thứ tiếng. Tôi nhìn xuống chỗ người phụ nữ, thấy bà đang nhảy lên nhảy xuống vì vui mừng. Chồng bà ta đến buổi truyền giảng đầy rượu và lòng vô tín, thế rồi buổi tối hôm đó ông ta đã kết thúc trên bục giảng bằng lời làm chứng của mình, đầy dẫy Đức Thánh Linh. Người đàn ông nầy chỉ bước có ba mươi hoặc bốn mươi mét đến bục giảng nhưng trên con đường đó Đức Chúa Trời đã thay đổi hoàn toàn mà không hề có một nỗ lực nào về phía ông ta.
Lời chứng ấy cho chúng ta thấy rằng để được đầy dẫy Đức Thánh Linh chúng ta chỉ cần cầu xin Chúa đổ đầy ân điển Ngài trong chúng ta. Khi Ngài rờ đụng đời sống chúng ta, Ngài biến đổi chúng ta, thánh hóa, và đổ đầy trong chúng ta tình yêu dành cho Ngài và cho những người hư mất.


Đức Thánh Linh Ở Trong Chúng Ta

Buổi chiều nọ có một thanh niên, vốn là kẻ trộm đang đi bộ gần đến nơi tổ chức truyền giảng tại thành phố Bahia Blanca, Argentina. Có điều gì đó khiến anh chú ý, và anh dừng lại. Anh ta đã có một kế hoạch, cùng với một vài người bạn, sẽ đột nhập vào một căn nhà tối hôm đó. Nhưng trong lúc đang đợi trời tối dần, người thanh niên nầy đã nghe tôi nói về quyền năng biến đổi đời sống của Đức Chúa Trời. Chúng ta đều biết những người phạm tội không vui mừng, đa số họ đều muốn thay đổi, nhưng có điều gì đó mạnh mẽ bên trong ngăn trở họ không cho điều đó xảy ra. Khi người nầy nghe tôi kêu gọi tiếp nhận Chúa Jesus, anh ta đứng lên và đưa tay lên. Cũng như bình thường, tôi mời tất cả những người muốn thay đổi đời sống hãy xin Đức Thánh Linh giúp họ trở thành một con người mới. Người thanh niên nầy đã làm theo, anh ta thuật lại cho chúng tôi rằng giờ phút mà anh cầu nguyện, một ngọn lửa đã xuyên suốt người anh làm anh rúng động từ đỉnh đầu đến ngón chân, và anh ta bắt đầu khóc. Từ buổi tối hôm đó trở đi toàn bộ cuộc đời của anh đã được thay đổi; anh không bao giờ còn đi ăn trộm nữa. Khi Đức Thánh Linh đến với đời sống của người nầy, anh ta đã đi từ chết sang sống, từ một tên trộm và là một kẻ nghiện ma túy trở thành một con chiên hiền lành trong tay của Đức Chúa Trời.
Đức Thánh Linh làm nhiều điều trong chúng ta. Ngài thánh hóa, thanh tẩy, dạy chúng ta yêu kính Chúa, dạy chúng ta cầu nguyện, và trang bị chúng ta để phục vụ trong Hội Thánh. Khi chúng ta dâng đời sống mình cho Đức Chúa Trời, chúng ta được đầy dẫy Đức Thánh Linh Ngài và trở nên một với Ngài. Kinh Thánh chép rằng: “Còn ai kết hiệp với Chúa thì trở nên một tánh thiêng liêng cùng Ngài ” (I Cô-rinh-tô 6:17). Qua Thánh Linh là Đấng sống trong chúng ta, chúng ta có được sự sáng và sự chỉ dẫn để hiểu điều mà trước đây không thể hiểu được hoặc phân biệt được: “Vả người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời , bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự dồ dại , và không có thể hiểu được , vì phải xem xét cách thiêng liêng ” (I Cô-rinh-tô 2:14).
Vì sao một số Cơ Đốc Nhân cứ đi từ thất bại nầy sang thất bại khác, từ sự yếu đuối nầy sang sự yếu đuối khác, chỉ kinh nghiệm được một đời sống thuộc linh tầm thường? Há họ không có Đức Thánh Linh ngự trong họ từ ngày họ tin Chúa sao? Họ có, nhưng bước đi của Thánh Linh trong đời sống chúng ta lệ thuộc vào sự đầu phục nhiều hay ít chúng ta dành cho Ngài. Ngài muốn chúng ta dâng trọn vẹn chính mình cho Ngài, nhưng Ngài chỉ tể trị những gì chúng ta vui lòng dâng cho Ngài. Khi một người đầy dẫy Đức Thánh Lịnh, các bông trái của người ấy sẽ bày tỏ điều đó. Chúng ta có thể đầy dẫy Đức Chúa Trời, nhận được Thánh Linh Ngài, và sự báp tem của Ngài, nhưng chúng ta có thể đã đánh mất sự đầy trọn Thánh Linh qua thời gian, Đức Chúa Trời có thể đổ đầy Thánh Linh Ngài trong chúng ta chỉ trong một giây, nhưng sau đó, để Chúa luôn đầy dẫy là trách nhiệm của chúng ta.
Tôi biết nhiều người đã được đầy dẫy Đức Thánh Linh trong một thời gian, nhưng sau đó, sự đầy trọn bị giảm dần. Và tôi cũng biết những người khác được báp tem hết sức đơn giản nhưng đã giấu điều đó trong lòng và quan tâm đến điều đó, họ đã thực hành báp tem bằng Thánh Linh và duy trì, giữ cho điều đó sống động và hoạt động. Chỉ cần nhìn họ là chúng ta có thể thấy họ đầy dẫy Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Khi trải qua những tranh chiến và hoạn nạn, họ vui mừng. Khi đối diện với những khó khăn, họ đứng vững. Những người có Thánh Linh trong đời sống mình là những người đặt lòng tin cậy hoàn toàn nơi Chúa và không sợ hãi, các công việc của họ sẽ chứng tỏ sự đầy trọn của Ngài.
Khi tôi nhận được Đức Thánh Linh, đó là một sự bộc phát, nhưng sau đó nó là một cuộc chiến thật sự để giữ sự đầy trọn của Ngài. Đêm mà tôi nhận báp tem bằng Thánh Linh đã đánh dấu chính mình tôi và chức vụ của tôi mãi mãi. Đó là trong một buổi nhóm với nhà truyền giáo Manuelruiz. Chúng tôi đã bắt đầu cầu nguyện và thờ phượng Chúa. Trong một vài phút hầu hết những người ở đó đều đang nói các thứ tiếng khác nhau. Maria vợ tôi trông giống như một thiên sứ. Cô ta ca hát và nói các thứ tiếng hết sức trôi chảy. Đột nhiên tôi nhận ra rằng mọi người đều nhận được báp tem ngoại trừ tôi. Từ sâu thẳm trong linh hồn tôi muốn nhận báp tem mà họ đang được. Tôi bắt đầu kêu lớn tiếng với Chúa bằng cả tấm lòng “Lạy Chúa xin báp tem con nếu không con sẽ chết!” Tôi chỉ mới biết Ngài có một tuần, và tôi đã kinh nghiệm được những điều thật khó tin.
Trong lúc tôi đang kêu khóc với Chúa bằng tất cả những gì có trong tôi, xin Ngài ban báp tem, thì một tia sáng từ trời giáng trên tôi. Chính là quyền phép của Đức Chúa Trời, khiến tôi té xuống đất, và tôi bắt đầu nói tiếng mới. Tôi nói từ thứ tiếng nầy sang thứ tiếng kia, suốt đêm hôm đó. Qua hôm sau tôi đã lạc giọng và không bao giờ là con người trước kia nữa. Nhưng đêm hôm đó Đức Chúa Trời đã ban cho tôi một khải tượng, tôi thấy chính mình trong một giảng đường lớn, cao ba tầng, đang nói chuyện với một trăm năm mươi ngàn người. Tôi đang hét vào họ, cố gắng giải thích điều đang xảy ra cho tôi, tức là việc tôi được phép báp tem bằng Đức Thánh Linh. Đó là lý do khiến tôi gào lớn suốt một tiếng rưỡi bằng nhiều thứ tiếng. Tất nhiên lúc đó tôi không quan tâm việc Chúa cho tôi một khải tượng về điều sẽ được gọi là “sự kêu gọi của tôi để giảng Tin Lành”. Đêm hôm đó những người hàng xóm nghe tôi la lớn bằng nhiều thứ tiếng khác nhau suốt nhiều tiếng đồng hồ. Có lẽ họ hết sức ngạc nhiên khi thấy tôi chào hỏi họ ngày hôm sau. Như tôi đã nói với bạn ở phần trước, tôi là một nhà doanh nghiệp rất quan trọng. Công việc và gia đình là trung tâm đời sống tôi. Mặc dầu tôi sống trong ngôi nhà đó suốt nhiều năm, tôi chẳng bao giờ buồn chào hỏi bất cứ người hàng xóm nào. Sáng hôm đó nhiều người trong số họ đứng nói chuyện ở ngoài phố, có lẽ họ đang bàn tán với nhau về tiếng la mà họ đã nghe đêm trước. Khi tôi rời nhà để đi làm, tôi dừng lại ngay trước mặt họ và nói: “Chúa ban phước lành cho anh!” Hết sức ngạc nhiên, họ đáp lại: “Chúc buổi sáng tốt lành!”.
Khi tôi đến sở làm, tôi ôm chầm các thân chủ của mình, nhiều người trong số họ nhận ra rằng có điều gì đó đã xảy đến với tôi. Họ cảm thấy có điều gì đó như lửa cháy khi tôi ôm lấy họ và bắt tay họ. Vì vậy họ hỏi tôi có điều đã xảy ra vậy, và tôi nói cho họ nghe về Chúa Cứu Thế.
Từ đó trở đi tôi bắt đầu có những kinh nghiệm siêu nhiên. Một lần nọ tôi đụng đến một người đàn ông và ông ta bay lên không và đáp xuống cách chỗ chúng tôi đang đứng hai mét. Một lần khác tôi đi đến nhà một người để bàn về các vấn đề liên quan đến việc làm ăn, và các tà linh đã bắt đầu biểu hiện trong căn nhà đó. Tôi không hiểu hết các sự cố ấy bởi vì lúc đó tôi chỉ mới tin Chúa một thời gian ngắn.
Kinh Thánh chép rằng: “Đức Chúa Trời đã xức cho Đức Chúa Jesus ở Naxarét bằng Đức Thánh Linh và quyền phép , rồi người đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước và chữa lành hết thảy những người bị ma quỉ ức hiếp , vì Đức Chúa Trời ở cùng Ngài ” (Công vụ 10:38). Ngài cũng ở với chúng ta. Đức Thánh Linh không phải chỉ đến để giúp chúng ta nói các thứ tiếng hoặc khiến chúng ta ngã xuống đất. Ngài không đến với chúng ta để chúng ta nhảy múa hoặc khóc lóc trong Thánh Linh. Ngài là một biểu hiện sống động của quyền năng Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta, và Ngài xức cho chúng ta để làm những việc lành, để chữa lành những người đang ở dưới thế lực của ma quỉ và để công bố Phúc âm của Chúa Cứu Thế Jesus, đó là mục đích của Ngài.
Các biểu hiện thấy được của quyền năng Đức Thánh Linh đó là tôi đã ngã xuống và nói các thứ tiếng. Tuy nhiên, Đức Thánh Linh tiếp tục làm việc qua tôi bất cứ khi nào tôi cầu nguyện cho ai đó được chữa lành hoặc khi tôi rao giảng về Chúa Cứu Thế. Đó chính là lý do vì sao sự xức dầu đến trên người tin Chúa. Việc báp tem bằng Đức Thánh Linh có một mục đích, và cũng vì mục đích đó mà Đức Chúa Trời đã xức cho Đức Chúa Jesus. Đức Thánh Linh đến bằng quyền phép, ban cho chúng ta các dấu lạ, sự hiểu biết, bày tỏ những sự việc cho chúng ta, và giúp chúng ta đứng vững trong Chúa. Nếu chúng ta học tập để lệ thuộc vào Ngài không ngừng và lâu dài, Ngài sẽ chỉ dẫn chúng ta.
Có một sự nguy hiểm trong việc cứ chạy từ hoạt động nầy sang hoạt động khác. Chúng ta có thể trở thành “những nhà chuyện nghiệp” và quên dừng lại để cầu hỏi Đức Thánh Linh cách giải quyết một vấn đề nào đó hoặc cách phải hành xử trong một tình huống nào đó. Hầu hết các Cơ Đốc Nhân, sau khi tin Chúa, xin Ngài báp tem bằng Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, sau khi đã được báp tem bằng Thánh Linh, nhiều người không cẩn thận và đã đánh mất điều đó. Trách nhiệm của chúng ta là phải gìn giữ và gia tăng báp tem đó hằng ngày. Nếu bạn đã được báp tem bằng Thánh Linh, hãy gìn giữ cẩn thận! Đừng ngưng việc nói các thứ tiếng. Hãy cứ tiếp tục mối quan hệ thân mật và đặc biệt ấy với Đức Thánh Linh, Ngài sẽ chỉ dẫn bạn từng bước một trên con đường đó.


Đức Thánh Linh Trong Hội Thánh

Đức Chúa Jesus biết Hội Thánh cần quyền năng, không có quyền năng ấy họ không thể nào rao giảng tình yêu thương và ân điển của Ngài trên đất nầy. Vì vậy Ngài đã ban Đức Thánh Linh để ban quyền phép cho những người theo Ngài trở thành những người làm chứng cho Ngài.
“Còn về phần các ngươi hãy đợi trong thành, cho đến khi được mặc lấy quyền phép từ trên cao” (Luca 24:49).
“Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép và làm chứng về ta tại thành Giêrusalem, cả xứ Giuđê, xứ Samari cho đến cùng trái đất” (Công vụ 1:8).
Đức Chúa Trời đã chọn một ngày đặc biệt để sự kiện nầy được xảy ra, tức là Ngày Lễ Ngũ Tuần. Ngài đã chọn ngày đó để Hội Thánh được ra đời tại Giêrusalem. Điều nầy đã xảy ra cách đây 2000 năm. Ngày Lễ Ngũ Tuần là một kỳ lễ quan trọng đối với người Ysơraên. Trong ngày đó họ ăn mừng Lễ Các Tuần, còn gọi là Lễ Mùa Gặt hay là ngày Hoa Quả Đầu Mùa. Người dân từ nhiều nơi xa và các thành phố nhóm lại tại Giêrusalem dự Lễ Các Tuần vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Kỳ lễ nầy xảy ra năm mươi ngày sau lễ vượt qua.
Kinh Thánh chép rằng Chúa Jesus đã giảng cho hàng ngàn người được chữa lành và được giải cứu, Ngài đã hiện ra cho hơn năm trăm người sau khi Ngài sống lại. Nhưng sau đó điều gì đã xảy ra? Vào ngày Lễ Ngũ Tuần chỉ có một trăm hai mươi người có mặt tại phòng cao. Hàng ngàn người đã được chữa lành ở đâu? Năm trăm người đã thấy Ngài lên trời ở đâu? Chỉ có một trăm hai mươi người tại phòng cao đó, chờ đợi lời hứa của Ngài. Khi ấy điều gì đã xảy ra? Một tiếng động như tiếng gió dữ dội đến từ trời, và hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác theo như Đức Thánh Linh cho họ nói. Vào ngày đó Đức Chúa Trời đã chỉ định để ban quyền phép cho Hội Thánh mới thành lập của Ngài, Đức Thánh Linh đã đến để trang bị Hội Thánh làm các công việc của Nước Trời trên đất.
Không bao lâu sau cả thành phố đều náo động. Khi một trăm hai mươi người nhận được quyền năng của Đức Chúa Trời đi ra ngoài các đường phố họ đã làm cho cả thành phố phải ngừng hẳn lại. Những người học thức uyên bác nhận thấy rằng những người nầy trước kia không biết nói các thứ tiếng và bây giờ lại đang nói các thứ tiếng khác. Những người khác thì chế nhạo họ bảo rằng họ đang say rượu. Hãy tưởng tượng khung cảnh lúc ấy, một trăm hai mươi người với hai tay giơ cao nói nhiều thứ tiếng khác nhau, vui mừng vỗ tay thậm chí có thể nhảy múa nữa. Rõ ràng là những người sùng đạo có mặt ở đó đang khó chịu.
Tôi không cho rằng ngày nay sự việc đã thay đổi nhiều hơn, những người sùng đạo đến thăm các buổi truyền giảng của chúng tôi nhiều khi cũng bị sốc. Cảm tạ Chúa, Đức Thánh Linh không phải xin phép chúng ta để làm điều Ngài muốn làm.
Tôi còn nhớ rõ kỳ truyền giảng của chúng tôi ở tại thành phố Cordoba, được xem là một nơi rất học thức. Có nhiều bác sĩ và luật sư đã phụ giúp trong suốt kỳ truyền giảng, cùng với nhiều người từ các trường đại học khác nhau. Mỗi đêm thành phố đều sửng sốt trước các phép lạ, các dấu kỳ, và hàng ngàn người nói các thứ tiếng. Có trên tám mươi lăm ngàn linh hồn đã tiếp nhận Chúa trong kỳ truyền giảng đó. Thật là một “vụ tai tiếng” phước hạnh!
Vào ngày Lễ Ngũ Tuần cách đây 2000 năm, thành phố cũng đã náo động. Nhiều người mộ đạo đã ra sức ngăn chận sự kiện nầy. Nhưng Phierơ từng chối Chúa trước đó chỉ có mấy ngày, là người đã rất sợ hãi, nay đứng lên và tuyên bố:
“Những người nầy chẳng phải say như các ngươi ngờ đâu, vì bây giờ mới là giờ thứ ba ban ngày. Nhưng ấy là điều Đấng tiên tri Giôên đã nói tiên tri rằng: Đức Chúa Trời phán trong những ngày sau rốt ta sẽ đổ thần ta khắp trên mọi xác thịt, con trai và con gái các ngươi đều sẽ nói lời tiên tri. Bọn trai trẻ sẽ thấy điềm lạ, và các người già cả sẽ có chiêm bao”. (Công vụ 2:15-17).
Nếu như bạn là người sùng đạo cho đến giờ phút nầy, hãy bỏ lòng mộ đạo phía sau và xin Chúa đổ đầy bạn với Đức Thánh Linh. Đừng chứa đầy tôn giáo, MÀ PHẢI ĐẦY DẪY ĐỨC THÁNH LINH ! Những người mộ đạo thường nói rằng “tiếng lạ chỉ dành cho các sứ đồ ! Lời tiên tri chỉ dành cho các sứ đồ !” Nhưng Kinh Thánh cho tôi biết rằng Đức Chúa Jesus Christ hôm qua ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi.
Chúng ta đang sống trong thời kỳ sau rốt, và Kinh Thánh cho chúng ta biết con trai và con gái chúng ta sẽ nói tiên tri, lời đó đã được ứng nghiệm ngày nay. Cách đây vài năm, vào năm 1981 khi các con tôi nói với tôi rằng chúng muốn được báp tem bằng Thánh Linh, tôi bảo: “Được rồi nếu các con muốn Chúa làm báp tem cho mình, hãy vào phòng quỳ xuống và cầu nguyện” Chúng đã làm thế, vào phòng và bắt đầu cầu nguyện xin Chúa ban báp tem của Ngài. Ngay cả đứa con gái nhỏ xíu của chúng tôi cũng có ở đó trong tay của dì vú. Thình lình tôi nghe có tiếng huyên náo từ phòng chúng vọng ra. Tôi bảo vợ tôi là María: “Hãy vào xem các con, Đức Chúa Trời đang thăm viếng chúng”. Khi chúng tôi vào đến phòng, bà vú đang run rẩy. Bà là một người mới tin Chúa, nhưng bà đang nói các thứ tiếng và lời tiên tri. Con gái lớn nhất của chúng tôi đang nằm trên sàn nói tiên tri. Tất cả những đứa trẻ còn lại đều đang nói các thứ tiếng.
Khi vợ tôi và tôi bắt đầu cầu nguyện với chúng, con trai tôi, một trong những đứa lớn nhất, bắt đầu nói tiên tri bằng một thứ tiếng như là tiếng Đức. Tôi xin Chúa cho tôi sự thông giải, Đức Chúa Trời bảo tôi hãy đặt tay trên vợ tôi, bởi vì nàng sẽ thông giải các lời đó. Tôi làm thế trong khi tất cả những người khác tiếp tục cầu nguyện. Maria, là người lúc bấy giờ đang bồng bé gái trong tay, bèn đặt cháu xuống giường, và đứng lên nói rằng: “Không bao lâu nữa, không lâu nữa, một cuộc phục hưng lớn sẽ đến trên Argentina, và Argentina sẽ thuộc về ta, Đức Giêhôva phán vậy”. Con trai tôi tiếp tục lập lại lời tiên tri bằng một thứ tiếng mà chúng tôi không biết. Ở giữa ngọn lửa trong căn phòng đó, Đức Chúa Trời đã mang Lời Ngài đến cho chúng tôi và tuyên bố điều sẽ xảy đến. Chúng tôi chỉ mới tin Chúa được hai năm và thậm chí chức vụ của chúng tôi còn chưa bắt đầu.
Nhiều Cơ Đốc Nhân đã cười khi chúng tôi nói về một cuộc phục hưng sắp đến với Argentina và rằng hàng ngàn linh hồn sẽ đến chỗ nhìn biết Chúa. Nhưng buổi tối hôm đó, trong lúc Đức Chúa Trời chỉ cho chúng tôi chương trình của Ngài dành cho đất nước của chúng tôi, tôi thưa với Ngài rằng: “Lạy Chúa chúng con muốn được dự phần trong điều Ngài sẽ thực hiện”.
Từ giờ phút đó trở đi, Đức Thánh Linh bắt đầu bày tỏ cho tôi những điều về chức vụ truyền giảng hiện tại của chúng tôi. Chúa bảo trước cho tôi điều Ngài sắp làm qua chức vụ đó. Cũng trong năm đó tôi nhận được một khải tượng, trong đó tôi thấy nhiều quyển sách có tên tôi trong đó. Sau đó chính tôi đã thưa với Ngài rằng “Tôi chỉ viết các sách ấy khi nào Ngài thúc đẩy tôi”.
Trên khắp thế giới có nhiều người nam người nữ tự xưng họ là người đại diện của Chúa trên đất, điều đó không đúng. Đức Chúa Trời chỉ có một đại diện là Đức Thánh Linh, lời Ngài đã phán khẳng quyết điều nầy. Sứ đồ Phierơ, khi trích dẫn lời tiên tri từ sách Giôên đã nói rằng:
“Phải trong những ngày đó ta sẽ đổ thần ta khắp trên các đầy tớ trai và gái ta, chúng nó đều nói lời tiên tri. Ta lại sẽ tỏ ra sự lạ lùng ở trên trời, và dấu lạ ở dưới đất, tức là máu, lửa, và luồng khói. Mặt trời sẽ biến nên tối tăm, mặt trăng hóa ra máu, trước ngày lớn và vinh hiển của Chúa chưa đến. Và lại ai cầu khẩn danh Chúa thì sẽ được cứu” (Công vụ 2:18-21).
Phierơ đã nói với những người đang tìm sự giải thích về điều đã xảy ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần đó. Kết quả là có hơn ba ngàn người đã được báp tem và cứ giữ sự dạy dỗ của các sứ đồ.
Chúa hứa sẽ bày tỏ các dấu kỳ trên trời và các dấu lạ dưới đất. Điều nầy dành cho tất cả các tôi tớ của Ngài, cho Hội Thánh của Ngài. Bạn đã sẵn sàng để nhận được các dấu lạ mà Ngài đã hứa cho chúng ta chưa. Bạn có muốn kinh nghiệm sự đầy trọn của Ngài không? Hãy đưa tay bạn lên trời, hãy bắt đầu ngợi khen Đức Chúa Trời, và thưa rằng:

Lạy Chúa Jesus , Linh Hồn Con Tôn Thờ Ngài.
Con Yêu Ngài, Lạy Chúa Cứu Thế Jesus.
Vinh Hiển, Vinh Hiển, Vinh Hiển Thuộc Về Ngài!
Giờ Đây Xin Hãy Đổ Đầy Con Bằng Thánh Linh Của Ngài.
Xin Tẩy Sạch Con, Xin Biến Đổi Con.
Con ca ngợi ngài, lạy Chúa!
Vinh hiển thuộc về Ngài thưa Chúa.


Hãy tiếp tục cầu nguyện không ngừng nghỉ. Dâng môi miệng bạn cho Đức Thánh Linh và nếu có lời nào bạn không hiểu ra từ môi miệng bạn, đừng ngừng lại, hãy cứ nói những lời đó. Hãy thờ phượng Đức Chúa Trời. Ngài sẽ ban cho bạn ân tứ để có thể tôn vinh Ngài bằng các thứ tiếng khác.
Lạy Chúa! sự vinh hiển, sự vinh hiển thuộc về danh Ngài. 

Nầy Satan Hãy Nghe Đây - Chương 9


Chương 9: QUYỀN NĂNG CỦA SỰ THA THỨ

Một trong những buổi truyền giảng đầu tiên của tôi, có người đến gặp tôi và hỏi tôi có thể đến nhà để cầu nguyện cho mẹ họ không?” Khi buổi nhóm kết thúc, tôi đến gặp người phụ nữ nầy. Bước vào nhà, tôi thấy một người phụ nữ bị đau liệt, nằm trên giường đau đớn vì chứng suyễn mãn tính đã tấn công hai lá phổi của bà. Bà đang ở trong tình trạng rất xấu, mỗi ngày mỗi yếu đi và đang chết dần chết mòn.
Điều đầu tiên tôi làm là nói chuyện với bà về Chúa Jesus và sự cứu rỗi của Ngài. Khi nói xong, tôi giúp bà cầu nguyện xưng nhận đức tin, và bà đã tiếp nhận Chúa Cứu Thế vào lòng. Sau đó tôi cầu nguyện cho bà, nhưng tôi không cảm thấy phước hạnh của Đức Chúa Trời đến được với bà. Thật là lạ, tôi cầu nguyện và hỏi Chúa có điều gì đang diễn ra. Ngài phán rằng tấm lòng của người đàn bà nầy đầy dẫy thù ghét, và ơn phước của Ngài không thể đến được nếu bà không tha thứ.
Vì vậy tôi quyết định hỏi thẳng bà: “Bà đang có nan đề với ai. Ai là người bà cần tha thứ?”
Bà ta bảo rằng bà không có nan đề gì cả, rằng bà có một mối quan hệ tốt đẹp với những người ở chung quanh bà. Tôi biết bà đang nói dối, Đức Chúa Trời đã khẳng định điều đó với tôi, và Ngài không nói dối. Vì vậy tôi nói “Bà ơi, bà không nói với tôi sự thật”. Khi nói điều đó, tôi cảm biết trong lòng mình rằng bà đang có vấn đề với cô con dâu. Vì vậy tôi hỏi con gái bà “Mẹ cô có bao nhiêu người con dâu?” Cô trả lời “hai”.
Tôi hỏi “tên họ là gì?” Cô trả lời “một người là Maria Loza và người kia là Ester”.
Với thông tin đó, tôi trở vào và nói chuyện với bà “mối quan hệ giữa bà với cô con dâu Maria Loza thế nào?” “A” bà ta nói với một nụ cười “Maria là một trái tim nhân hậu. Cô ấy đến thăm tôi với các cháu tôi một tuần hai lần, và mang bánh đến cho tôi nữa. Cô ấy thật là một cô con dâu gương mẫu.”
Tôi nói “Còn Ester thì thế nào?”
Yên lặng. Tôi lập lại câu hỏi đó bốn lần và không có câu trả lời. Bà ta không nói gì với tôi cả.
Thế rồi thình lình bà nói “Đừng nhắc đến tên nó. Nó là một con rắn. Nó dụ dỗ con trai tôi và cũng chẳng cho các cháu tôi đến thăm tôi. Tôi ghét nó! Tôi sẽ không bao giờ tha thứ vì những gì nó đã làm cho tôi!” Trong giây phút đó bà ta khẳng định điều Chúa đã phán cùng tôi, vì vậy tôi cố gắng giúp bà hiểu điều trục trặc với bà.
“Bà có biết điều gì đang xảy ra ở đây không? Bà đang chết dần chết mòn vì cớ tấm lòng bà đầy dẫy sự thù ghét và oán giận”.
“Tôi không cần, tôi sẽ không tha thứ cho nó, dẫu cho điều đó có giết chết tôi” Bà trả lời giận dữ.
“Nhưng Chúa đang phán với bà, Ngài nói rằng nếu bà không tha thứ, sự oán hận cuối cùng sẽ giết chết bà”. Tôi nói:
“Mục sư, tôi xin lỗi, nhưng tôi thấy mình không muốn làm điều đó”
Tôi đã hiểu. Có những lúc thật không dễ dàng để tha thứ cho kẻ đã làm tổn thương chúng ta quá sâu sắc. Tôi đã nghe nhiều câu chuyện về những người đã bị lợi dụng khi còn nhỏ. Một số những người khác đã bị cưỡng hiếp, phản bội, và bị tấn công. Tất cả những điều khủng khiếp ấy làm tổn thương người ta vô cùng sâu đậm.
Có thể những người làm thương tổn không xứng đáng với sự tha thứ của chúng ta. Nhưng chúng ta cần nhận biết rằng chúng ta đã phạm tội, thậm chí còn tồi tệ hơn vì đã nghịch cùng Chúa chúng ta là Jesus vậy mà Ngài phán rằng: “Lạy Cha xin tha cho họ , vì họ không biết điều mình làm ” (Luca 23:34). Tôi giải thích cho người phụ nữ ấy rằng tha thứ không phải là một cảm xúc, mà là một quyết định. Nếu chúng ta phải cảm thấy muốn tha thứ, có lẽ không bao giờ chúng ta tha thứ. Tôi cố gắng giúp bà hiểu lẽ thật nầy, và sau đó chúng tôi cùng cầu nguyện. Tôi nắm lấy tay bà và mời bà lập lại theo tôi: “Lạy Chúa con tha thứ cho Ester! Lạy Chúa Jesus con tha thứ cho Estes!” Bà ta đã lấy hết sức để nói được những lời đó, và cuối cùng bà đã nói được. Bà lập lại nhiều lần “Con tha thứ cho Ester trong danh Chúa Jesus”. Khi nói điều đó nước mắt bắt đầu dâng lên trong đôi mắt bà. Đức Thánh Linh đã làm việc trong lòng cứng cỏi của bà. Bà vừa nói vừa khóc với tôi “Tôi cảm thấy giống như có điều gì đó được nhấc ra khỏi lòng tôi và bây giờ tôi được tự do”.
Tôi hỏi “Bà đã tha thứ cho Estes chưa?” Bà nói “Rồi, tôi đã tha thứ”.
Sau đó sự chữa lành bắt đầu tuôn chảy. Sau ba năm dài không thể bước đi, bà đã đứng dậy và bước một vài bước. Mọi người trong căn phòng chứng kiến quyền năng thực sự của sự tha thứ .


Khi Chúng Ta Tha Thứ

“Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi... Vả nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 6:12, 14:14,15).
Các câu Kinh Thánh ấy trong Phúc âm Mathiơ dạy chúng ta điều mà các định luật thuộc linh của Đức Chúa Trời cho phép con người được đến gần sự nhơn từ và thương xót của Ngài. Nhiều lúc chúng ta không nhận được các ân ban của Đức Chúa Trời, hoặc chúng ta cầu xin mà không được đáp lời, là do chúng ta đã không vâng giữ các nguyên tắc thuộc linh được chép trong Lời Ngài.
Chúng ta hãy xem xét di sản nầy ở mức độ sâu nhiệm hơn hầu cho các phước hạnh bội phần của Đức Chúa Trời đến được với đời sống của chúng ta. Tôi tin rằng bài cầu nguyện chung là lời cầu nguyện được nhiều người biết đến nhất trên thế giới, nhưng đáng buồn thay đó cũng là bài cầu nguyện bị xem thường hơn hết. Chúng ta hãy xem xét từng phần đoạn Kinh Thánh trong Ma-thi-ơ 6:9-13.


“Xin Tha Tội Cho Chúng Tôi”

Kinh Thánh chép rằng chúng ta mắc nợ, và mắc nợ Đức Chúa Trời. Như vậy giá của khoản nợ nầy là thế nào? Liệu chúng ta có thể trả bằng tiền mặt chăng? Bạn hãy nhớ rằng Chúa Phán: “Tiền công của tội lỗi là sự chết”. Ngài đã trả một giá cho linh hồn con người, nếu như chúng ta có thể lấy tiền mà mua được thì chúng ta đã mua. Nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng linh hồn của con người quý hơn cả vàng hoặc bạc. Điều nầy có nghĩa là chúng ta không thể mua được sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Nhiều người thích nghĩ rằng họ có thể mua được; khi họ qua đời họ để lại tiền bạc và các thứ vật chất cho Hội Thánh để các thuộc viên trong Hội Thánh cầu nguyện cho họ. Tôi xin nói với bạn, dầu vậy, Đức Chúa Trời không phải là một thương gia. Chúng ta không thể mua được sự tha thứ của Ngài hoặc trả cho Ngài những gì Ngài đã hy sinh trên thập tự giá. Vì vậy con người phải trả bằng chính sự sống của mình vì cớ sự bội nghịch và không vâng lời của mình. Điều đó có nghĩa rằng giá của tội lỗi là sự chết.
Nhưng khi Đức Chúa Trời nhìn thấy toàn thể nhân loại hư mất và hết thảy đều phải chết, Ngài đã ban Chúa Jesus đến trần gian, không hề có tì vết và không hề phạm tội, hầu cho hễ ai tin nơi sự công bình của Chúa Cứu Thế không bị hư mất mà được sự sống. Ngài không sai Con Ngài đến để đoán xét thế gian mà để cứu rỗi thế gian. Vì vậy cũng như tội lỗi đã vào trong thế gian bởi một con người (Ađam), và bởi tội lỗi mà có sự chết, thì cũng bởi Chúa Jesus, sự sống và ơn phước đã vào trong thế gian. Khi Chúa Jesus chịu chết trên thập tự giá, Ngài đã hoàn thành kế hoạch cứu rỗi và làm trọn ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho loài người. Trên thập tự giá, Chúa Jesus đã tuyên phán “Mọi sự đã được trọn” hết thảy đều thấy Ngài bị đóng đinh, nhưng chỉ có một ít người biết rằng Ngài đã trả món nợ mà con người mắc với Đức Chúa Trời.
Chúa Cứu Thế là Đấng Trung Bảo của chúng ta. Khi được lên thiên đàng, chúng ta sẽ mang theo mình của cầm thuộc linh mà Ngài đã giao vào tay chúng ta khi tiếp nhận Ngài vào lòng. Bạn có biết của cầm đó là gì không? “Lạy Cha! Con đã trả món nợ của Carlos bởi mạng sống và bằng huyết của con”, biên nhận nầy không phải được viết bằng mực, mà là bằng huyết mà Chúa Jesus người Naxarét đã đổ ra vì cớ chúng ta tại thập tự giá. Điều nầy có nghĩa nếu bạn dâng đời sống mình cho Chúa Jesus bạn không còn mắc nợ điều gì nữa, bởi vì ân ban của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jesus Christ Chúa chúng ta.


“Như Chúng Tôi Cũng Tha Kẻ Mắc Nợ Chúng Tôi”

Đây là phần thứ hai trong khúc Kinh Thánh chúng ta đang xem xét. Theo tất cả những gì chúng ta vừa mới thảo luận, lời Kinh Thánh thật rõ ràng, công khai tuyên bố rằng để nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời, chúng ta cũng cần phải tha thứ. Khi Đức Chúa Trời tha thứ chúng ta, chúng ta được hòa thuận lại với Ngài và nhận được sự cứu rỗi. Nếu chúng ta không vâng giữ nguyên tắc nầy, chúng ta đánh mất sự tha thứ của Đức Chúa Trời và ơn phước của Ngài. Chúng ta cũng gặp nguy cơ mất cả sự cứu rỗi mà Chúa Jesus đã ban cho chúng ta cách nhưng không qua sự chết của Ngài trên thập tự giá ở tại Gôgôtha.
Từ ngày nầy sang ngày khác chúng ta nhìn thấy những gương mặt đầy cay đắng và giận dữ. Sự thù hằn không những làm chai sạn tấm lòng, mà còn làm cứng cỏi nét mặt của chúng ta. Khi tâm linh buồn bực, nó bày tỏ ra trên nét mặt của chúng ta, và cuối cùng cùng làm khô héo xương cốt chúng ta. Nó tác hại đến sức khỏe thuộc thể của chúng ta. Kinh Thánh chép rằng “Khi tôi nín lặng, các xương cốt tôi tiêu tàn” (Thi Thiên 32:3). Thù hận và căm ghét làm tổn thương linh hồn và tấm lòng chúng ta, nếu chúng ta không chữa lành các vết thương ấy cách hoàn toàn, chúng sẽ tiếp tục bị rỉ máu. Suốt nhiều năm chúng ta cứ mang theo mình những mối ác cảm, thù hằn và mong muốn trả thù những người đã làm tổn thương chúng ta trong quá khứ. Nếu không để cho Chúa can thiệp và chữa lành, chúng ta sẽ cứ bị thương mãi mãi.
Tất cả những cảm giác tức giận, oán ghét, hoặc thù hận đều là một cánh cửa mở cho ma quỉ. Những cảm xúc nầy, một khi nằm dưới sự kiểm soát của ma quỉ, đem đến sự tự tử, buồn chán, điên cuồng, và mọi thứ tật bịnh. Bảy mươi phần trăm những người phải vào trại giải cứu là những người bị quỉ ám, nhưng hầu hết các nan đề thuộc linh của họ đều do thiếu lòng tha thứ.
Trong sách Êphêsô, Chúa dạy chúng ta như sau “Ví bằng anh em đương cơn giận thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn, và đừng cho ma quỉ nhơn dịp” (Ê-phê-sô 4:26-27). Kinh Thánh không bảo chúng ta đừng nổi giận, nhưng Đức Chúa Trời không muốn cơn giận đó kéo dài qua đêm. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ chúng ta hãy sửa ngay lại mọi sự với Chúa và với những người chúng ta có thể đã làm tổn thương hoặc làm hại trong ngày hôm đó.
Nếu trong cuộc đời của mình chúng ta đã lầm lỡ và phạm tội cùng Đức Chúa Trời, thì Ngài là thành tín và công bình để tha mọi tội lỗi của chúng ta. Chúa phán rằng “Ta sẽ chẳng còn nhớ đến tội lỗi gian ác của chúng nó nữa” (Hê-bơ-rơ 10:17).
Nhiều người, thậm chí là những Cơ Đốc Nhân, không nhận biết sự tha thứ quan trọng như thế nào. Nhưng đối với Đức Chúa Trời, ghét một anh em thì cũng phạm tội như đã giết người ấy. “Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người, anh em biết rằng chẳng một kẻ nào giết người có sự sống đời đời ở trong mình” (I Giăng 3:15). Bây giờ bạn đã hiểu điều tôi muốn nói chăng? Chúa phán rằng “Người nào nói mình ở trong sự sáng mà ghét anh em mình là vẫn còn ở trong sự tối tăm. (Xem I Giăng 2:9-11 ) nhưng Ngài cũng phán rằng “Nếu chúng ta yêu thương anh em mình thì chúng ta đang ở trong sự sáng và không điều gì gây cho chúng ta vấp ngã”.
Hỡi các anh chị em yêu dấu của tôi, hãy đọc cho cẩn thận. Không phải tôi nói những lời đó, mà chính là Chúa. Trong I Giăng 4:20 chúng ta biết rằng nếu yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì chúng ta là kẻ nói dối. Vì nếu không thể yêu anh em, là những người mình thấy, thì làm thế nào yêu Đức Chúa Trời, là Đấng chúng ta không thấy? Vì vậy đây là mạng lệnh của Chúa “Ai yêu Đức Chúa Trời, thì cũng phải yêu anh em mình” (I Giăng 4:21).
Vì vậy đừng yên lặng lâu hơn nữa. Đừng cứ giấu mãi những cảm xúc đang làm bạn khốn khổ trong quá nhiều năm tháng. Có thể đó chính là vách tường trong tấm lòng bạn đã ngăn chận những phước hạnh lâu dài không đến được với đời sống bạn. Vì vậy hãy xưng tội và ăn năn đi, bạn sẽ tìm thấy sự giải hòa. Không có gì tốt hơn điều đó.


Tha Thứ Đem Lại Sự Hòa Giải

Trong một số trường hợp, chúng tôi nói chuyện với những người đã trải qua một thời gian khó khăn để tha thứ cho chính mình vì những sự lựa chọn sai lầm hoặc những lầm lỡ mà họ đã phạm trong quá khứ. Tôi thấy những người khác thì oán giận Chúa vì họ tin rằng Ngài đã hình phạt họ bằng bịnh tật.
Sứ đồ Phaolô nói lời sau đây về sự tha thứ.
“Nhưng anh em tha thứ ai, thì tôi cũng tha thứ. Vả nếu tôi đã tha, là vì anh em mà tha, ở trước mặt Đấng Christ, hầu đừng để cho quỉ Satan thắng chúng ta, vì chúng ta không phải là không biết mưu chước của nó” (II Cô-rinh-tô 2:10-11).
Nếu những người đã bị tổn thương mang rễ của sự cay đắng trong lòng, họ không làm trọn luật tha thứ của Chúa, họ đã cho ma quỉ một cơ hội và mở cửa cho các mưu chước của nó. Tất cả mọi điều đó đều là những chướng ngại vật và những tranh chiến mà Satan đặt vào đời sống của những người chưa bằng lòng dâng mọi sự cho Chúa, kể cả lòng ghen ghét và oán giận của họ.
Chúng ta biết rằng Satan chỉ đến để cướp giết và hủy diệt, và trong ngày cuối cùng nó sẽ tung ra hàng triệu quỉ sứ để đem đến tình trạng thù địch giữa vòng con người. Nó đã thành công trong việc đem sự phân rẽ giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, bà gia và nàng dâu, giữa các bạn hữu, giữa những người hàng xóm. Chúng ta biết rằng nếu chúng ta chiến đấu mà không tha thứ, sẽ ngăn chận các ơn phước của Chúa đến với đời sống mình. Sứ đồ Phaolô đã dạy trong Rôma 5:10-11: “Vì nếu khi chúng ta còn là thù nghịch cùng Đức Chúa Trời , mà đã được hòa thuận với Ngài bởi sự chết của con Ngài , thì huống chi nay đã hòa thuận rồi , chúng ta sẽ nhờ sự sống của con ấy mà được cứu là dường nào ! Nào những thế thôi chúng ta lại còn khoe mình trong Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Jesus Christ chúng ta , nhờ Ngài mà chúng ta hiện nay đã được sự hòa thuận ”. Khi chúng ta tiếp nhận Chúa Cứu Thế vào lòng mình chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời. Và Đức Chúa Trời, Đấng hòa giải chúng ta với chính Ngài qua Chúa Cứu Thế đã ban cho chúng ta chức vụ của sự giải hòa. Không phải chỉ hòa thuận lại với Ngài, mà cũng hòa thuận với tất cả những người đã làm tổn thương và làm hại chúng ta trong quá khứ.
Chữ hòa giải đến từ tiếng La tinh Reconciliatio , ám chỉ “hành động khôi phục lại các mối quan hệ bị gãy đổ ”, nó cũng được dịch sang từ Hylạp Katanlage , có nghĩa là “thay đổi hoàn toàn ”. Chúa Jesus cung ứng những gương mẫu tốt nhất về sự tha thứ và hòa giải. Chúng ta thấy Ngài tha thứ cho Giuđa, Phierơ, những kẻ đã đóng đinh Ngài. Về những người nầy Ngài phán rằng “Lạy Cha xin tha cho họ , vì họ không biết điều mình làm ”.
Cùng một Đức Thánh Linh, Đấng xức cho Chúa Jesus cũng là Đấng đang ngự trong chúng ta ngày nay. Nhiều lúc khi giảng dạy về sự tha thứ, tôi nghe người ta la lên “Lạy Chúa con tha thứ!” Trong chính giờ phút đó họ nhận được phép lạ và được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Tôi xin nêu lên một ví dụ: Nếu chúng ta muốn đổ đầy nước vào một cái chai nhưng chúng ta dìm nó vào trong nước mà nắp chai vẫn đậy kín, thì dầu cho có bao nhiêu tiếng đồng hồ trôi qua cái chai vẫn trống không. Bạn phải mở nắp chai, thì cái chai sẽ đầy nước. Điều tương tự cũng xảy đến với đời sống bạn, bạn cần phải tha thứ. Hãy mở chiếc nắp đã không cho Đức Thánh Linh tự do tuôn đổ trong đời sống bạn. Năm 1994 tôi được mời đến dự kỳ hội đồng thường niên của các Hội Thánh Ngũ Tuần Đan Mạch. Tôi đã giảng dạy về quyền năng của sự tha thứ. Có một thanh niên đi nạng khiến tôi chú ý. Anh ta tiến lên phía trước tòa giảng vừa la lớn vừa khóc “Con tha thứ cho cha con. Lạy Chúa con tha thứ cho cha con”. Một vài phút sau, tôi thấy anh ta ném cặp nạng trên sàn nhà và chạy lên bục giảng để nói lời làm chứng. Đức Chúa Trời đã chữa lành cho anh!
Nếu người anh em của bạn có phạm tội nghịch cùng bạn, hãy nhịn nhục và tha thứ cho họ. Hãy hiểu rằng mình lường cho họ mực nào, thì họ cũng lường cho mình mực ấy. Mác 11:25 chép rằng “Khi các ngươi đứng cầu nguyện , nếu có sự gì bất bình cùng ai , thì hãy tha thứ ”, bí quyết nằm ở chỗ điều chúng ta xưng ra. Có thể chúng ta không có khả năng đến gặp người mình cần tha thứ. Có thể người đó đã chết rồi hoặc ở rất xa, nhưng chúng ta có thể xưng ra sự tha thứ của mình ở trước mặt Đức Chúa Trời, công bố tên của người đó. Ví dụ chúng ta có thể nói “Lạy Chúa con tha thứ cho Dũng”. Đức Chúa Trời đang lắng nghe bạn và cả ma quỉ cũng thế. Đức Thánh Linh đã đổ đầy lòng bạn bằng tình yêu thương và chữa lành mọi vết thương. Khi ấy ma quỉ nhìn thấy sự vâng phục của bạn đối với Đức Chúa Trời và sẽ thôi hành hại bạn.
Đức Chúa Trời đã tha thứ cho sự phản bội của Giuđa, sự chối bỏ của Phierơ, là những kẻ đã đưa Ngài đến thập tự giá, cũng như tất cả tội lỗi của bạn và của tôi. Hãy suy gẫm đến những lời đó. Hãy xin Đức Thánh Linh giúp đỡ cho bạn, thăm viếng những chỗ còn tối tăm trong lòng bạn, hãy và đưa ra ánh sáng tất cả những vết thương mà bạn vẫn che giấu suốt nhiều năm qua trong nỗ lực của mình để quên đi.
Đó là sự lựa chọn của bạn, đừng chờ đợi lâu hơn nữa. Nếu bạn không tha thứ, Đức Chúa Trời không thể ban phước cho bạn. Hãy khôi phục lại các mối quan hệ gãy đổ trong lòng bạn, bạn sẽ được đổ đầy nhiều phước hạnh từ Chúa vinh hiển của chúng ta.