Này Satan Hãy Nghe Đây - Chương 2


Chương 2: SỰ XỨC DẦU TRONG CHỨC VỤ

Công việc Chúa đang có được những thời điểm kết quả, không những ở tại Argentina mà còn ở nhiều vùng tại Mỹ nữa. Người ta khao khát Chúa; họ cần tìm đúng đường. Tôi tin rằng chúng ta cần phải được chuẩn bị đầy đủ, và vì lý do trên, chúng ta cần sự xức dầu của Chúa để hỗ trợ cho các chức vụ của chúng ta. Công việc nào không có dấu ấn bởi sự xức dầu của Chúa thì dầu sống cũng như chết.
Ngay cả những người không có Chúa Cứu Thế trong đời sống họ vẫn có thể nhận ra sự xức dầu nầy. Khi chúng ta sống mỗi ngày, khi đi làm hoặc thực hiện các hoạt động khác nhau, những người chung quanh chúng ta phải thấy điều gì đó khác biệt trong chúng ta. Dầu họ không diễn tả điều đó bằng những từ ngữ chúng ta dùng, nhưng “điều gì đó” được gọi là sự xức dầu . Nếu thế gian không nhìn thấy sự xức dầu trong chúng ta, họ sẽ không tin Đức Chúa Trời đã sai phái chúng ta. Sự huấn luyện tốt nhất của chúng ta đến từ Đức Thánh Linh. Ý muốn của Đức Chúa Trời trên đất nầy sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự hành động của Ngài qua đời sống chúng ta. Đó là lý do tại sao cần phải được đầu tư, được đổ đầy và được tươi mới liên tục bởi quyền năng và ân điển của Thánh Linh.
Đó là trường hợp của một phụ nữ trẻ tuổi hết lòng tìm kiếm Chúa. Bàn tay thương xót của Ngài đã hướng dẫn cô đến gặp một người thật sự không hề biết cô và đã chỉ cho cô con đường cứu rỗi. Cô thuật lại lời chứng đẹp đẽ như thế nầy.

"Đừng Lấy Đi Điều ông Đã Cho Tôi"

Tôi gặp rất nhiều nan đề trong đời, và tôi quyết định sẽ tự tử. Vì thế, lúc nào tôi cũng mang theo một lá thư trong túi để giải thích quyết định đó. Tôi không hề biết gì về chiến dịch truyền giảng đang bắt đầu tại thành phố Mar del Plata. Tôi cũng không biết nhà truyền giáo Carlos Annacondia. Tôi chưa bao giờ nghe đến tên ông ta.
Lúc ấy tôi là người quản lý nhân viên trong một khách sạn quan trọng của thành phố. Nhưng tôi đau yếu và buồn chán nhiều năm, mặc dầu tôi có một gia đình rất tốt. Tôi không thiếu điều gì cả, nhưng có điều gì đó trục trặc trong tôi.
Một buổi nọ tại nơi làm việc, tôi đang đợi các nhân viên thay ca, thình lình tôi quyết định kết liễu cuộc đời mình. Đó chính là ngày tôi chọn để tự tử. Vì nơi tôi làm việc nằm ngay trước bãi biển nên tôi nghĩ mình cứ bước thẳng xuống nước và đừng ngoái lại phía sau, cứ như thế tôi sẽ kết thúc mọi nỗi đau khổ của mình.
Lối vào khách sạn rất đẹp. Có gương lớn và những cánh cửa bằng đồng. Từ đó người ta có thể nghe thấy tiếng động đặc trưng của hành lang. Mặc dầu rất quen với những âm thanh đó, song buổi chiều hôm ấy tôi thật ngạc nhiên trước những tiếng động của các cánh cửa mở và đóng vọng vào. Thình lình tôi cảm thấy có một bàn tay rất khỏe nắm lấy gáy tôi và nhấc tôi lên. Tôi bắt đầu bước về phía một người vừa bước vào qua các cửa lớn đó. Khi tôi tiến gần đến ông ta, tôi nắm lấy áo ông và nói “Ông ơi, ông ơi, có ai có thể nói cho tôi biết về Chúa không? Tôi cần có ai đó nói cho tôi về Ngài”
Người đàn ông ấy với cặp mắt rất trong sáng và nụ cười thật hiền từ đã nói với tôi rằng “Được, tôi có thể nói về Chúa cho cô. Tôi có thể nói cho cô biết Chúa Cứu Thế là Đấng yêu thương cô và giải cứu được cô. Ngài là Jesus người Naxarét”
Tôi không bao giờ quên những lời ấy. Trong chính giây phút đó, tôi bắt đầu xin Chúa tha thứ cho tôi. Tôi xưng ra mọi tội lỗi mình đã phạm, thậm chí những tội lỗi trong thời thơ ấu. Khi tôi cầu xin sự tha thứ của Ngài, một luồng sáng xuyên qua người tôi, và tôi bắt đầu cảm tạ Ngài, rồi tôi nhìn vào người đàn ông đứng trước mặt và hỏi “Ông là ai, hãy nói cho tôi biết đi!”
Ông ta trả lời “Tôi là một tôi tớ của Đức Chúa Trời. Tôi là Carlos Annacondia”
Tôi nói “Tôi không biết ông, nhưng xin ông đừng lấy đi những gì ông mới vừa cho tôi”
Mười lăm phút sau chồng tôi đến đón tôi, anh ta không thể nhận ra tôi nữa. Từ ngày đó trở đi, cuộc đời tôi đã thay đổi. Tôi không bao giờ như trước nữa. Tối đó, tôi đến buổi truyền giảng của Annacondia và tại đó tôi đã dâng đời mình cho Chúa ngay trước một đám đông rất lớn. Ngày nay, có thể nói rằng tôi là người đầu tiên dâng cuộc đời mình cho Chúa qua nhà truyền giáo trong chiến dịch truyền giảng đầu tiên và không thể quên được của Carlos tại Mar del Plata.
Ba ngày sau khi tin nhận Chúa, Ngài phán với tôi bằng một tiếng phán có thể nghe được và bảo tôi sắp có một đứa con gái nữa. Đó là điều không dễ hiểu hoặc thậm chí không thể chấp nhận được, bởi vì tôi đã giải phẩu và cuộc giải phẩu ấy đã lấy đi một phần thuộc cơ quan sinh sản của tôi. Các bác sĩ cho tôi biết tôi không thể có con được nữa. Tôi đã ba mươi bảy tuổi và có ba con gái. Nhưng ngày hôm nay đứa con gái thứ tư của tôi đã mười một tuổi và là kết quả của việc tin nhận Chúa.
Không lâu sau buổi truyền giảng ấy, Chúa đã kêu gọi tôi hầu việc Ngài. Hiện nay tôi đang hầu việc Ngài, chồng tôi và tôi là Mục sư tại một Hội Thánh nhánh của Hội Thánh chúng tôi. Đức Chúa Trời là nguồn cảm thúc và là sức mạnh của chúng tôi.
MARÍA

Nếu không có sự xức dầu của Đức Chúa Trời, không chức vụ nào trên đất có thể thành công. Nếu có điều gì mà tất cả chúng ta đều cần phải có, thì đó chính là điều Chúa Jesus đã phán bảo các môn đồ Ngài “Hãy cứ ở trong thành cho đến khi các ngươi được mặc lấy quyền phép từ nơi cao” (Luca 24:49). Các môn đồ trước hết phải được đổ đầy quyền năng của Đức Chúa Trời để làm chứng cho Ngài tại thành Giêrusalem, xứ Samari và sau cùng là cho đến các đầu cùng đất. Khi chúng ta được ban cho quyền năng, chúng ta sẽ có năng lực để trở thành những chứng nhân và đó là cách mà chức vụ của chúng ta bắt đầu. Đó là chỗ chúng ta sẽ thấy các dấu lạ dẫn lối cho chúng ta.
Ngày nọ, có một anh em đến Hội Thánh chúng tôi mời một người đến rao giảng và điều động một chiến dịch truyền giảng ba ngày tại một trong các khu phố nghèo nàn. Có nhiều người giảng tốt trong Hội Thánh chúng tôi; bất cứ ai trong số họ cũng có thể làm được công việc đó. Dầu vậy, người anh em ấy cứ nhất định tôi phải là người rao giảng Lời Chúa bởi vì trong một khải tượng, vợ anh thấy tôi đang giảng.
Tôi đã thưa cùng Chúa rằng tôi sẽ không bao giờ tự ý giảng trong một cuộc truyền giảng nào mà Chính Ngài phải luôn là người sai phái ai đó đến mời tôi. Nhờ thế tôi có thể nhận biết khi nào là lúc Chúa tể trị điều đó. Và đó là cách vẫn được dùng cho đến ngày nay.
Đến lúc đó Chúa đã phán với tôi rồi, Ngài phán nếu tôi muốn Ngài dùng tôi, thì tôi chỉ tin mà thôi. Ở tại chiến dịch truyền giảng thuộc khu ổ chuột, Ngài đã tỏ cho tôi biết ý nghĩa thực sự của Mác 16:17. Ngài cho tôi biết bí quyết đối với các phép lạ siêu nhiên là phải tin.
Cuộc truyền giảng mà tôi được mời đến nằm giữa một trong số các khu phố tồi tàn nguy hiểm nhất trong vùng. Trong đêm đầu tiên, nhiều thành viên bị quỉ ám trong băng nhóm đã ngã nằm dài trên mặt đất, lăn lộn và sùi bọt mép. Tất cả họ đều được giải cứu khỏi ách nô lệ của ma quỉ. Ngày hôm sau, họ là những người đầu tiên có mặt để đợi buổi nhóm bắt đầu.
Đêm truyền giảng thứ hai, một số thành viên trong các băng nhóm đã cắt điện. Nhưng điều đó không ngăn được chúng tôi. Các anh em và tôi bắt đầu thờ phượng Chúa bằng cả tấm lòng của mình, Đức Thánh Linh đã ngự xuống đến nỗi những người đứng bên phải tôi đều ngã xuống đất. Một nửa trong số họ bắt đầu lăn tròn. Tôi có thể thấy người ta từ ngoài đường tiến vào, họ la hét, một số khác thì kêu khóc, một số bò lết, một số người đập đầu vào bục giảng, kêu gào. Trong lúc đó, tất cả chúng tôi tiếp tục thờ phượng Chúa cho đến khi điện được sửa xong. Đêm hôm đó tôi đã thấy công việc của Đức Thánh Linh cáo trách tội lỗi con người, chữa lành và giải cứu nhiều người.
Đêm thứ ba của chiến dịch, các tà linh tiếp tục ra khỏi nhiều người. Một số người đưa những người hàng xóm có các biểu hiện của ma quỉ trong nhà của họ đến. Trong đêm đó, buổi nhóm kết thúc với rất nhiều dấu kỳ và phép lạ. Đây mới chỉ là chiến dịch truyền giảng đầu tiên của tôi. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đã ở đó, bày tỏ các phép lạ để làm cho vững Lời Ngài.
Tương tự như điều đã xảy ra cho người phụ nữ tại Mar del Plata, thế giới nầy đang chờ đợi ai đó giảng về Chúa cho họ, đem đến cho họ sự cứu rỗi, sự chữa lành và sự giải cứu, Kinh Thánh cho chúng ta biết:
Kẻ nào tin Ngài sẽ chẳng bị hổ thẹn. Trong người Giuđa và người Gờréc không có sự phân biệt gì hết, vì họ có chung một Chúa, giàu ơn đối với mọi kẻ kêu xin Ngài, vì “Ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu”. Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao? Lại nếu chẳng ai được sai đi thì rao giảng thể nào? Như có chép rằng: “ Bàn chơn kẻ rao truyềnTin Lành là tốt đẹp biết bao!” Rôma 10:11-15.
Bạn thân mến của tôi, bạn hoặc chức vụ của bạn có thường nghe đến sự thách thức của mạng lệnh nầy không? Nếu có, xin đừng bao giờ quên bảy bước dành cho sự xức dầu của chức vụ bạn.

Bảy Bước Cho Sự Xức Dầu

Có bảy yêu cầu để được thành công trong chức vụ hầu việc Chúa. Đây là những yếu tố cơ bản để có một chức vụ được xức dầu và thành công. Không có bảy bước đó, sự hầu việc của chúng ta sẽ không có ý nghĩa và không kết quả. Bảy bước đó là:

Sự Dâng Mình
Điều nầy có nghĩa là hoàn toàn đầu phục Chúa. Không ai trong chúng ta có thể phát triển một chức vụ thành công, kết quả nếu không phó dâng trọn vẹn đời sống mình cho Ngài.
Trong công ty của tôi, khi cần thuê người đến làm việc. Chúng tôi đưa quảng cáo lên báo. Rất nhiều người đáp ứng. Họ phải trải qua nhiều thử nghiệm tùy theo vị trí đã có sẵn. Chúng tôi sẽ chọn người mà chúng tôi tin là đã được trang bị tốt nhất cho công việc đó. Tuy nhiên, chúng tôi không làm việc đó nếu trước hết chưa lượng giá những điều kiện nhất định, ví dụ như năng lực để thực hiện công việc cũng như kinh nghiệm của họ.
Nhìn chung, khi cần một Mục sư, một tôi tớ Chúa, một cộng sự hoặc một người phụ tá, Hội Thánh tìm kiếm một nhà thần học là người thực sự am tường Thánh Kinh, người khôn ngoan có các kỹ năng và kinh nghiệm. Nhưng Đức Chúa Trời tìm kiếm một tôi tớ như thế nào? Yêu cầu duy nhất của Ngài là một đời sống hoàn toàn đầu phục Ngài. Ngài không tìm kiếm một nhà thần học, hay một người khôn ngoan hoặc người võ đoán. Đức Chúa Trời không chỉ tìm kiếm người khôn ngoan có năng lực mà còn là người thánh sạch biết đầu phục Chúa hoàn toàn. Điều nầy không dễ dàng có được, mà là sự chiến đấu đòi hỏi sự bền đỗ, đầu phục hoàn toàn của chúng ta, và còn có nhiều đòi buộc khác rất khó thực hiện đối với chúng ta.
Tôi nhớ khi Chúa kêu gọi tôi vào chức vụ. Năm đầu tiên tôi vật lộn với Chúa chỉ vì tôi mới đầu phục 90% cuộc đời mình cho Ngài. Tôi được Báptem bằng Thánh Linh, đã đến các bệnh viện để cầu nguyện cho những người đau (và họ đã được lành), đã rao giảng, và người ta tin Chúa. Mặc dầu mọi điều đó, vẫn còn một phần trong tôi chưa giao nộp hoàn toàn cho Chúa.
Tôi nhớ nhiều người đã nói tiên tri về chức vụ Chúa giao cho tôi. Họ nói với tôi rằng Ngài sẽ sai phái tôi đến các quốc gia khác, rằng tôi sẽ trở thành nhà truyền giáo quốc tế, rằng cả nước Mỹ đều sẽ nghe tiếng tôi, và nhiều điều khác nữa. Song tôi không cảm thấy đời sống mình được hoàn toàn tự do để phát huy chức vụ ấy.
Ngày nọ Chúa cho tôi thấy một khu phố tồi tàn trong một giấc mơ. Tôi tự hỏi: Có phải điều đó có nghĩa là Chúa muốn mình đến giảng ở đó không ? Phản ứng tức thời của tôi là “không, con sẽ không đến đó”. Một lần nữa, Chúa lại cho tôi thấy một khu phố nghèo nàn trong một giấc mơ. Và tôi lại trả lời “Con không đến đó. Làm sao con có thể đến các khu phố nghèo nàn được.” Đó là sự tranh chiến của tôi. Tôi nghĩ mình sẽ rao giảng cho những người giàu có và nổi tiếng, nhưng Chúa lại muốn tôi giảng Tin Lành cho người nghèo.
Tôi cảm thấy hơi buồn bực khi biết điều Chúa đang tỏ cho tôi và cách tôi đáp ứng. Ngày nọ tôi nói với Maria, vợ tôi rằng. “Nếu anh quyết định bỏ hết mọi sự để đi đến miền Bắc Argentina giảng Tin Lành chỉ với những gì chúng ta mang trên lưng mà thôi, thì em có đi với anh không?”
Nàng trả lời “Nếu đó là điều anh cảm biết Chúa bảo anh làm, em sẽ đi cùng anh bất cứ nơi nào”.
Tôi thực sự nghĩ đó là điều Chúa muốn, cho đến cuối cùng tôi hiểu rằng ý muốn của Ngài dành cho tôi là rao giảng Chúa Cứu Thế ở những nơi đó, cho những con người đó. Tôi sớm nhận ra rằng tôi không còn quan tâm đến các tài sản vật chất của mình nữa. Tôi đã mất đi lòng yêu thích mà tôi đã từng dành cho công ty của mình, là điều mà cho đến giờ phút ấy là cuộc sống của tôi. Khi tôi cất đi cái tôi và thay đổi các ưu tiên trong tấm lòng mình. Ngài đã sai tôi giảng Tin Lành cho người nghèo.
Chúng tôi đã giảng Tin Lành ở những khu vực xa xôi nhất của thành phố, dưới trời mưa, giữa đám bùn lầy. Đó là cách chức vụ của tôi đã bắt đầu. Tại đó, tôi tổ chức các chiến dịch truyền giảng giữa vòng những tên trộm cướp, những người đồi trụy, giữa vòng mọi loại tội lỗi. Maria và tôi có những đôi ủng đi mưa trong xe dành cho những ngày mưa khi mà chúng tôi phải đi trong những con phố ngập bùn. Nhưng chúng tôi đã giảng Tin Lành với niềm vui sướng!
Đức Chúa Trời cần sự đầu phục hoàn toàn của tôi. Đó là bước thứ nhất. Nếu không có sự vâng phục hoàn toàn, Ngài không thể dùng chúng tôi. Không phải chỉ có sự biến cải hoặc Báptem bằng Thánh Linh. Đức Chúa Trời muốn một đời sống hoàn toàn dâng trọn cho Ngài. Ngài đang tìm kiếm người bằng lòng thưa rằng “Lạy Chúa, bất cứ nơi nào Ngài sai con, con sẽ đi”.

Khải Tượng
Bước thứ hai trong việc xức dầu là khải tượng. Khải tượng của chức vụ mà Đức Chúa Trời ban cho bạn là gì? Trong Hội Thánh của Đấng Christ có năm sự kêu gọi chức vụ quan trọng: sứ đồ, tiên tri, truyền giáo, mục sư và giáo sư. Tôi không tin là hết thảy chúng ta đều được kêu gọi làm nhà truyền giáo hay hết thảy đều được kêu gọi làm mục sư; nếu vậy chúng ta đang xây một thân thể bị biến dạng. Nếu Chúa chưa ban cho bạn một khải tượng nào về chức vụ cho đời sống bạn, hãy xin Ngài một khải tượng! Bạn cần phải biết sự kêu gọi mà Chúa dành cho bạn để bạn có thể tập trung vào mục tiêu đó. Bạn cần một khải tượng rõ ràng, chính xác về chức vụ mà bạn sẽ phát triển. Nếu không, sẽ rất khó để đạt được mục tiêu. Có một sự kêu gọi rất cụ thể cho mỗi người trong chúng ta mà chúng ta cần phải hoàn thành. Khi có được sự kêu gọi đó, Chúa thường ban cho chúng ta khải tượng, khuôn mẫu và sự trang bị của Đức Thánh Linh để chúng ta có thể thực hiện được.
Bạn có biết nan đề nghiêm trọng nhất mà Hội Thánh ngày nay đối diện không? Chủ nghĩa thành đạt (Triumphalism) (“Niềm tin cho rằng giáo lý của tôi, thái độ của tôi hoặc niềm tin của tôi là ưu việt hơn tất cả những cái khác”). Hãy cẩn thận! Đó là một thứ bệnh ăn mòn các chức vụ. Vì sao tôi nói điều nầy? Rất đơn giản, nếu một Mục sư có một hội chúng gồm 3000 tín hữu, thì bất kỳ Hội Thánh nào có số tín hữu kém hơn số đó sẽ bị coi là thất bại. Vì thế để đạt được số người tham gia đó, ông ta sẽ làm bất cứ điều gì phải làm như mua một thính phòng lớn, hai tiếng đồng hồ trên đài phát thanh, vay tiền, hoặc bất cứ điều gì. Tất cả đều vì một mục đích đơn giản là để có một nhà thờ có ba ngàn thành viên. Đó là chủ nghĩa thành đạt.
Trong thực tế, không phải tất cả những sự kêu gọi của Chúa đều giống nhau. Vì vậy nếu bạn không có được khải tượng đúng, chức vụ của bạn sẽ thất bại. Điều quan trọng là phải biết ý muốn Chúa dành cho đời sống chúng ta. Đức Chúa Trời kêu gọi những người nam, người nữ vào chức vụ, nhưng phải biết rằng có những sự kêu gọi dành cho Mục sư, hay người chăn bầy một ngàn người, mười ngàn người, và cũng có những người chăn bầy năm mươi hoặc một trăm người.
Chức vụ đẹp nhất trên đất này là hết thảy kẻ bệnh đều được chữa lành. Chúa Jesus thường rời thành phố nầy để đi giảng cho một thành phố khác và cả thành đều đi theo Ngài, không phải chỉ những cư dân của một thị trấn nào đó, mà người ta từ khắp nơi đều đến để nghe Ngài. Ngài giảng cho hàng ngàn người, và hàng ngàn người được chữa lành. Ngài làm lay chuyển các thành phố, giải phóng những người bị quỉ ám, thậm chí khiến kẻ chết sống lại. Nhưng khi kết thúc chức vụ công khai trên đất có bao nhiêu người ở chung quanh Ngài. Chỉ có 120 người. Theo bạn có phải chức vụ nầy đã thất bại không?
Nếu chúng ta xem xét chức vụ này theo các tiêu chuẩn của mình ngày nay, chúng ta phải nói rằng Chúa Jesus đã thất bại, 120 người trên Phòng Cao chờ đợi lời hứa của Chúa. Hơn 500 người đã thấy Ngài sau khi Chúa Phục sinh, nhưng chỉ có 120 người trung tín có mặt ở đó. Vậy mà đã có những người đi rao giảng về Chúa Cứu Thế cho thế giới, và ngày nay chúng ta nhận Tin Lành như là kết quả của 120 người lúc đầu đó.
Vì vậy, hãy biết rằng có thể Chúa kêu gọi bạn có một Hội Thánh 1000 người, 500 người, 50 người hoặc 20 người. Ai quan tâm đến số lượng? Điều quan trọng là phải hoàn thành mục đích và kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho cuộc đời chúng ta.
Hãy coi chừng chủ nghĩa cực đoan; chúng ta cố gắng đạt được thành công bằng nhiều cách. Chúng ta có thể mong đợi các ơn phước của Đức Chúa Trời, nhưng trước hết chúng ta cần phải làm theo ý muốn Ngài. Đó là lý do vì sao có rất nhiều chức vụ kết thúc trong thất bại. Họ không làm theo ý muốn Ngài. Đó là lý do vì sao có nhiều chức vụ, dầu họ đã có các Hội Thánh đến hai ba trăm tín hữu nhưng không thỏa lòng và cay đắng vì cớ “không đủ”. Nếu hai ba trăm tín hữu là ý muốn của Chúa dành cho bạn, hãy chấp nhận và đừng lo lắng về số lượng.
Chúa muốn người ta được cứu, nhưng theo cách của Ngài. Không phải ai cũng được kêu gọi để rao giảng trong các thành phố lớn của thế giới. Có thể Chúa sai bạn đến một thị trấn nhỏ, đến những nơi khó khăn, nơi mà khó có thể giúp người ta hiểu được Tin Lành. Mọi linh hồn đều quý báu trước mặt Chúa. Ngay cả những người không được kêu gọi làm Mục sư cũng có một phần quan trọng trong nước Đức Chúa Trời. Chúng ta là một phần của một đội quân và cuộc chiến không chỉ có những người can đảm ở đầu tuyến mà còn là người trong vị trí quản lý, là người giúp chuẩn bị các bữa ăn, người có trách nhiệm giúp đỡ các chiến sĩ. Tất cả các chức vụ đều quan trọng. Chức vụ của bạn cũng vậy.

Sự Hiểu Biết
Có hiểu biết là điều cần thiết, song chúng ta dùng sự hiểu biết đó để phục vụ Chúa chứ không phải để tỏ cho thế gian thấy chúng ta hiểu biết nhiều chừng nào. Học tập để trả lời đúng đắn, đầy đủ các vấn đề nào đó là điều rất quan trọng. Chúng ta phải hiểu Lời Chúa và biết cách ứng dụng các nguyên tắc của Lời Chúa vào các tình huống trong đời sống. Những người ở trong chức vụ hầu việc Chúa phải đưa ra được những câu trả lời đúng bởi vì chúng ta hiểu rõ Lời Chúa, nếu không ma quỉ sẽ thắng thế vì nó biết lời Chúa rất rõ.
Chúa huấn luyện chúng ta để đem tình yêu và ân điển của Đấng Christ đến với người khác qua đời sống chúng ta. Nếu hết thảy những gì chúng ta có chỉ là sự hiểu biết mà không có tình yêu đối với những người hư mất, thì chúng ta không đạt được mục tiêu của mình. Mọi thứ đều cần phải được sắp đặt chu đáo và thật quân bằng để chức vụ đạt hiệu quả. Chúng ta cần sử dụng Lời của lẽ thật như những cộng tác viên được chấp thuận, không thay đổi hoặc lạm dụng lẽ thật của Lời Chúa.

Đức Tin
Đức tin không có việc làm thì chết. Chúng ta có thể có đức tin, nhưng nếu chúng ta không đưa đức tin vào hành động, thì đức tin sẽ ra vô ích. Nếu chúng ta tuân theo từng bước trong bảy bước nầy song không có đức tin, thì sẽ chẳng có sự xức dầu. Muốn có được sự xức dầu thì mỗi một yếu tố đều cần thiết.
Chúa phán rõ ràng cùng chúng ta “Kẻ nào tin sẽ được những dấu lạ nầy”. Ngài đề cập một số biểu hiện của quyền năng như chữa lành kẻ đau, đuổi quỉ, và những điều khác. Bạn có tin mình sẽ được các dấu lạ đó không? Các dấu lạ nầy để dành cho ai? Cho hết thảy chúng ta “Hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người”. Ngài sẽ làm vững mạng lệnh bằng những dấu lạ mà chỉ bởi đức tin mới có được mà thôi.
Khi bạn đứng sau bục giảng, bạn thực hành Lời Chúa bởi đức tin, với mục đích khẳng định Lời ấy. Phần còn lại, Đức Chúa Trời chịu trách nhiệm. Có lẽ bạn lấy làm lạ điều tôi làm. Tôi chỉ giảng Tin Lành như Kinh Thánh chép trong Mác: Tôi rao giảng Lời Chúa . Một khi người ta tiếp nhận Chúa Jesus và tiến lên tòa giảng để công khai bày tỏ đức tin của họ, tôi nhân danh Chúa Jesus mà đuổi các quỉ, và chúng xuất ra. Tôi cầu nguyện cho kẻ đau và họ được chữa lành. Trong mỗi buổi nhóm tôi cũng cầu nguyện cho việc Báptem bằng Thánh Linh. Làm trọn bốn phương diện nầy là điều hết sức quan trọng. Đừng xao lãng điều đó bởi vì mỗi điều đều cần thiết: sự cứu rỗi , sự giải cứu , sự chữa lành và được Báptem bằng Thánh Linh .
Vậy thì, điều gì xảy ra khi chúng ta cầu nguyện bằng đức tin? Những sự việc siêu nhiên bắt đầu. Sự vận hành của Đức Chúa Trời chỉ hành động bởi một chìa khóa duy nhất, đó là đức tin. Chúng ta cần phải tin rằng điều chúng ta cầu xin sẽ xảy ra. Đức Chúa Trời không bao giờ thất tín đâu.
Cách đây không lâu, một Mục sư mời tôi đến giảng ở tại Hội Thánh của ông. Tôi bảo với ông “Vâng, tôi sẽ đến, Chúa có ban cho tôi những điều mới mẽ, và tôi muốn chia sẻ”. Buổi nhóm hôm đó thật náo nhiệt. Chúng tôi mời tất cả những ai muốn được báp tem bằng Thánh Linh đứng thành một hàng và tôi bắt đầu cầu nguyện. Mỗi một người tôi đặt tay đều bắt đầu nói các thứ tiếng. Tôi tin rằng điều đó sẽ xảy ra và nó đã xảy ra. Đó là đức tin.
Với lòng đơn sơ, hãy biến đức tin thành hành động. Nếu chúng ta thật sự tin Lời Chúa. Chúa sẽ biến đổi cuộc đời chúng ta. Tôi cố gắng giảng Tin Lành cách đơn giản nhất để mọi người đều hiểu được. Trong một chiến dịch truyền giảng ở Hoa kỳ, Chúa phán cùng tôi “Hãy giảng một tiếng đồng hồ, nếu cần. Dân chúng cần hiểu rằng họ là những người cần Ta, chứ không phải Ta cần họ” Đó là sự thực, con người cần Đức Chúa Trời, vì vậy chúng ta cần bày tỏ nhu cầu của họ bằng cách nói “Bạn cần Chúa.” Bạn định cứ tiếp tục mang tấm lòng tan vỡ, say sưa, phạm tội, tà dâm, nói dối hay bạn muốn thay đổi? Hãy biết rằng khi chúng ta xây lưng lại với Đức Chúa Trời là chúng ta chọn một cuộc đời đầy dẫy đau khổ, buồn bã và cay đắng”.
Tin Lành cũng đơn giản như vậy, chúng ta hãy học hỏi những điều đơn giản và rao giảng một Chúa Jesus đơn giản để ai nấy đều hiểu được những lẽ thật của Đức Chúa Trời.

Hành Động
Để hiểu bước nầy, chúng ta hãy xem Nêhêmi. Ông đã nhận được Lời từ Đức Chúa Trời bảo ông thi hành một công việc. Ông không ngồi đó đợi Chúa thực hiện, thay vào đó ông hành động và thưa rằng “..Ngày nay xin Chúa hãy làm cho tôi tớ Chúa được may mắn và ban cho nó tìm được sự nhơn từ trước mặt người nầy” (Nê-hê-mi 1:11).
Nhiều người cầu nguyện, cầu nguyện, và khi chúng tôi bảo với họ rằng “Người anh em, chúng ta hãy đem khu vực lân cận nầy về cho Chúa Cứu Thế”, họ trả lời “Chúng tôi đang cầu nguyện về điều đó”. Một năm sau chúng tôi lại bảo họ “Người anh em, chúng ta phải rao giảng Chúa Cứu Thế cho khu vực lân cận nầy, có nhiều người nghiện ma túy ở đó”. Một lần nữa câu trả lời cũng giống như trước, họ đang cầu nguyện cho khu vực nầy. Họ dành cả cuộc đời chỉ để làm điều đó, cầu nguyện. Chúng ta cần cầu nguyện, song một khi Chúa đã ban cho chúng ta sự khẳng quyết của Ngài, chúng ta cần phải đứng lên như Nêhêmi đã làm và nói rằng “Hãy đến, xây cất các vách thành Giêrusalem lại, hầu cho chúng ta khỏi bị sỉ nhục nữa” (2:17). Chúng ta luôn muốn Chúa làm mọi sự, chúng ta muốn Ngài đến và rao giảng, chúng ta cầu nguyện hai phút, rồi bảo “Lạy Chúa xin hãy cứu khu vực lân cận”. Và đó là cách chúng ta mong đợi người ta đến với Chúa.
Lần nọ Chúa cho tôi khải tượng về một ốc đảo lớn với những cây cối kỳ lạ, tất cả các loại cây ăn trái, những dòng suối nước trong như pha lê, các bông hoa, cỏ xanh biếc, chim chóc, một đám đông lớn đang uống thứ nước tươi mát, ăn trái cây, ca hát, vui cười và đùa giỡn. Tôi nghĩ, “Đây hẳn phải là thiên đàng ”. Nhưng khi tôi tiến gần đến hàng rào chung quanh biên giới của nó, tôi nhìn thấy một sa mạc ở bên kia. Không có cây cối, không có nước, chẳng có bông hoa, không có bóng mát; ánh nắng mặt trời làm đá chẻ ra làm đôi, và tôi nhìn thấy một đám đông thống khổ đang nhìn trừng trừng vào tôi. Da nhiều người bị nứt nẻ, miệng lưỡi họ bị sưng phồng và họ phải đỡ nhau mà đứng. Hai tay họ dang thẳng về phía chúng tôi trong thiên đàng, van xin sự cứu giúp. Khải tượng nầy đã giúp tôi suy nghĩ về Hội Thánh của Chúa Jesus. Các bức tường trong các nhà thờ của chúng ta đang mệt mỏi vì nghe chúng ta. Mỗi một viên gạch đều có thể trở thành một tiến sĩ thần học. Chúng ta hãy mang sứ điệp của tòa giảng đến các đường phố, đến các quảng trường, các công viên trong thành phố. Chúng ta hãy đi từ nhà nầy sang nhà khác mà nói về Chúa Cứu Thế. Tiếng kêu khóc của những người đau khổ đang rền rĩ trong tai chúng ta. Hãy thức dậy. Tin tức trên đài phát thanh và truyền hình, các nhật báo hằng ngày và các tạp chí hàng tuần đang ca ngợi kẻ hủy phá! Chúng ta hãy rao giảng về Chúa Cứu Thế Jesus!
Chúa cần những người nam người nữ hành động. Chúng ta hãy nhạy bén và khôn ngoan. Trong cuộc sống, nếu chúng ta không phó mình để hành động, các sự việc sẽ không xảy ra đâu! Nếu chúng ta không chịu nỗ lực, chúng ta sẽ thất bại. Nếu không có hành động thì ngay cả khi chúng ta hết sức khôn ngoan, chúng ta cũng không chinh phục linh hồn cho Chúa Cứu Thế được. Thậm chí nếu họ xây cả một Hội Thánh cho chúng ta với tất cả mọi thứ chúng ta cần, hãy quên điều đó đi! Nhu cầu cần phải hành động có trong mọi đề án của chúng ta, và điều đó hàm ý việc đi ra hầu việc Chúa.
Nếu bạn biếng nhác, hãy từ bỏ chức vụ hoặc là xin Chúa cất sự biếng nhác ấy đi. Không có người lười biếng nào có thể thành công trong sự hầu việc Chúa, bởi vì Ngài cần những con người can đảm và chịu khó để làm việc cho Ngài. Chúa bảo Giôsuê “Ta há không có phán dặn ngươi sao? Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ! Chớ kinh khủng” (Giô-suê 1:9).
Làm việc chăm chỉ nghĩa là gì? Tức là phải làm việc vượt quá những giới hạn của mình. Ví dụ, nếu chúng ta thích ngủ nhiều, chức vụ sẽ không tiến triển. Mọi thứ đều cần phải có một giới hạn và có mức độ. Tuy nhiên, không cần thiết phải quá cực đoan ở đầu kia và bận rộn đến nỗi lúc nào cũng phải chạy và chẳng có cầu nguyện.

Cầu Nguyện Và Kiêng Ăn
Chúng ta là những thầy tế lễ của Đức Chúa Trời. Chúng ta có trách nhiệm giữ cho lửa trên bàn thờ của đời sống tận hiến mình cháy luôn qua sự cầu nguyện không ngừng. Như vậy lửa của Thánh Linh sẽ không bao giờ tắt.
“Lửa trên bàn thờ phải cháy luôn luôn không nên tắt. Mỗi buổi sáng thầy tế lễ sẽ lấy củi chụm lửa thêm, sắp của lễ thiêu lên trên, và xông những mỡ về của lễ thù ân tại đó” (Lê-vi ký 6:12).
Điều quan trọng về phần chúng ta là yêu thương những linh hồn hư mất, quỳ gối và kêu khóc cho những linh hồn hư mất của thế gian nầy, khi chúng ta tiếp nhận Chúa Jesus, lửa trên bàn thờ lên đến trần nhà. Song cùng với thời gian, tình yêu nguội dần, và lửa trên bàn thờ cũng vậy. Vì thế nơi có lửa, chỉ còn là tro. Nếu chúng ta để cho lửa trên bàn thờ tàn tắt như đã xảy ra với những người Lêvi, chúng ta không đáng là những thầy tế lễ, chúng ta thất bại trong những bổn phận của mình. Nếu chúng ta không giữ cho lửa trên bàn thờ của Đức Chúa Trời bùng cháy trong đời sống mình, chúng ta sẽ chỉ trở nên lạnh lẻo. Chúng ta sẽ mất đi tình yêu đã có đối với những linh hồn hư mất không có Chúa Cứu Thế và thôi không quan tâm đến công việc Chúa và các anh em chị em mình nữa.
Nhưng cũng như Hội Thánh Êphêsô, chúng ta vẫn có thể nhen lại tình yêu ban đầu của mình. Họ đã bỏ mất tình yêu ban đầu. Họ đã từng chịu khó nhọc, làm nhiều việc, chịu đựng nhiều, nhưng có điều gì đã trục trặc. Đức Chúa Trời nhìn thấy nhiều nỗ lực của Hội Thánh Êphêsô, những công việc không mệt mỏi của họ, Ngài biết rằng họ đã không dung chịu những kẻ ác và họ đã thử những kẻ tự xưng là sứ đồ mà không phải là sứ đồ. Song Ngài đã phán cùng họ rằng “Nhưng điều ta trách ngươi, là ngươi đã bỏ lòng kính mến ban đầu. Vậy hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ đâu! Hãy ăn năn và làm lại những công việc ban đầu của mình” (Khải Huyền 2:4-5).
Chúng ta có thể giữ cho lửa cháy luôn bằng sự cầu nguyện và kiêng ăn, tìm kiếm Chúa với cả tấm lòng và cầu thay cho những người hư mất. Như vậy, chúng ta sẽ được chuẩn bị để đương đầu với những trở ngại, bởi vì Chúa đã phán “Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy (Ê-phê-sô 6:12). Kinh Thánh cho chúng ta thấy rõ rằng chiến trận của chúng ta không phải cùng con người mà là cùng kẻ cầm quyền trên không trung. Chính đó là nơi chúng ta cần chiến thắng, cũng như với lời cầu nguyện không thôi, chúng ta nói “Satan, hãy thả thành phố nầy ra. Hỡi ma quỉ, hãy buông số tiền ấy ra. Hỡi Satan, tà linh ô uế, ngươi là kẻ mang tội lỗi đến trên Hội Thánh, nhơn danh Chúa Cứu Thế Jesus, hãy buông Hội Thánh ra.
Satan có thực, nhưng nhiều lúc chúng ta dường như coi thường nó, tưởng như là nó chẳng làm hại đến chúng ta. Ma quỉ thường rình mò chung quanh chúng ta như sư tử rống tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được (I Phi-e-rơ 5:8). Chúng ta cần chiến đấu trong cuộc chiến nầy bằng sự cầu nguyện ở tại bàn thờ, và sau đó, mỗi khi chúng ta quở trách nó, giống như chúng ta cho thêm dầu vào lửa nơi bàn thờ.
Sự dâng mình, khải tượng, hiểu biết, đức tin và hành động, hết thảy đều rất quan trọng, nhưng chúng ta cần lưu tâm đặc biệt đến sự cầu nguyện và kiêng ăn. Yếu tố nầy không thể thiếu trong chức vụ của chúng ta. Nếu thất bại ở mặt nầy, mọi điều khác đều thất bại. Chúng ta cần thận trọng trong mọi điều mình làm, nhưng luôn luôn thêm sự cầu nguyện và cầu thay vào là một điều hết sức quan trọng. Nếu bạn là một người lãnh đạo, điều quan trọng là cần sắp xếp một nhóm người không ngừng cầu nguyện cho bạn, cầu thay cho đời sống của bạn.

Tình Yêu Thương
Đến đây chúng ta phải vây phủ tất cả những điều mình đã đề cập đến bằng tình yêu thương. Nếu không có tình yêu dành cho những linh hồn hư mất hoặc cho bầy chiên mình thì chức vụ Cơ Đốc sẽ vô ích và chẳng kết quả gì trong đời sống chúng ta. Bạn có thể năng nỗ và có đức tin hoặc sự thông biết, nhưng nếu bạn không có tình yêu thương, thì có ích gì? Dầu bạn xây dựng bất cứ điều gì, rốt lại bạn cũng sẽ làm hỏng nó vì bạn thiếu tình yêu.
Mỗi ngày tôi đều cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban cho con tình yêu thương. Nếu con không có tình yêu, con chẳng ra gì”. Nếu tôi không thật sự yêu thương những con người đau khổ thì tôi không thể tiếp tục chức vụ hầu việc Ngài. Có những ngày tôi gặp ba người thì thầm vào tai nầy, ba người to nhỏ vào tai kia, và ba người bàn tán từ phía sau. Tôi có thể quả quyết với bạn rằng không phải lúc nào cũng dễ để yêu thương đâu, và đó là lý do vì sao chúng ta cần có chung một tình yêu đặc biệt. Nhiều lúc lòng nhịn nhục của chúng ta khô cạn đi, và nếu chúng ta không còn chút tình yêu nào, chúng ta sẽ không thể tiếp tục làm công việc Chúa giao.
Kinh Thánh chép rằng “Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự (I Cô-rinh-tô 13:4-5,7). Đó chính là loại tình yêu chúng ta phải có. Nếu lửa trên bàn thờ bạn đang cháy, hãy xin Chúa đổ đầy bạn bằng tình yêu, Ngài sẽ làm điều đó. Nhưng đừng quên, hãy cầu nguyện với Chúa, cầu thay ở trước mặt Ngài. Đừng chỉ thỏa mãn với sự cầu nguyện năm, mười phút, không đủ đâu. Hãy cầu nguyện với Chúa càng nhiều càng tốt, bao lâu mà bạn muốn, một giờ, hai giờ, hãy dành thì giờ nơi bàn thờ. Và rồi tất cả những bước chúng ta đưa vào để có một chức vụ thành công sẽ tràn ngập tình yêu quý báu của Chúa Cứu Thế Jesus.
Cách đây không lâu, một Mục sư người Đức gởi một anh em đến chỗ chúng tôi, anh là người đã viết rất nhiều sách. Anh đang khảo sát mọi thứ về các cuộc phục hưng cũng như những thiếu sót của chúng. Ông đã nói về Finney, Moody; Wesley và những người khác. Anh muốn tìm ra lý do vì sao các cuộc phục hưng lại chấm dứt.
Tôi trả lời anh bằng một minh họa. Nếu có hai võ sĩ trên một võ đài, khi người nầy tấn công, người kia phải bảo vệ mình. Và khi người kia ngưng tấn công, người nầy sẽ bắt đầu tấn công. Hội Thánh trong cuộc chiến với Satan cũng vậy. Khi chúng ta đánh trận vì cớ những linh hồn hư mất, điều khiến cuộc chiến tiếp diễn chính là tình yêu chúng ta dành cho linh hồn họ. Khi Hội Thánh ngưng yêu thương, ma quỉ sẽ tấn công, bấy giờ Hội Thánh sẽ ở vào thế thủ. Đừng bao giờ rời bỏ vị trí chiến thắng của bạn trong cuộc chiến!
Tôi muốn kết thúc chương nầy bằng vài lời mà Chúa đã phán cùng tôi. Tình yêu thương dành cho những người hư mất dẫn đến phục hưng. Khi tình yêu nguội dần, phục hưng cũng tàn tắt. Người nào có lòng yêu thương linh hồn tha thiết sẽ sống trong sự phục hưng liên tục.