Chương
9: QUYỀN NĂNG CỦA SỰ THA THỨ
Một
trong những buổi truyền giảng đầu tiên của tôi, có người đến gặp tôi và hỏi tôi
có thể đến nhà để cầu nguyện cho mẹ họ không?” Khi buổi nhóm kết thúc, tôi đến
gặp người phụ nữ nầy. Bước vào nhà, tôi thấy một người phụ nữ bị đau liệt, nằm
trên giường đau đớn vì chứng suyễn mãn tính đã tấn công hai lá phổi của bà. Bà
đang ở trong tình trạng rất xấu, mỗi ngày mỗi yếu đi và đang chết dần chết mòn.
Điều
đầu tiên tôi làm là nói chuyện với bà về Chúa Jesus và sự cứu rỗi của Ngài. Khi
nói xong, tôi giúp bà cầu nguyện xưng nhận đức tin, và bà đã tiếp nhận Chúa Cứu
Thế vào lòng. Sau đó tôi cầu nguyện cho bà, nhưng tôi không cảm thấy phước hạnh
của Đức Chúa Trời đến được với bà. Thật là lạ, tôi cầu nguyện và hỏi Chúa có
điều gì đang diễn ra. Ngài phán rằng tấm lòng của người đàn bà nầy đầy dẫy thù
ghét, và ơn phước của Ngài không thể đến được nếu bà không tha thứ.
Vì
vậy tôi quyết định hỏi thẳng bà: “Bà đang có nan đề với ai. Ai là người bà cần
tha thứ?”
Bà
ta bảo rằng bà không có nan đề gì cả, rằng bà có một mối quan hệ tốt đẹp với
những người ở chung quanh bà. Tôi biết bà đang nói dối, Đức Chúa Trời đã khẳng
định điều đó với tôi, và Ngài không nói dối. Vì vậy tôi nói “Bà ơi, bà không
nói với tôi sự thật”. Khi nói điều đó, tôi cảm biết trong lòng mình rằng bà
đang có vấn đề với cô con dâu. Vì vậy tôi hỏi con gái bà “Mẹ cô có bao nhiêu người
con dâu?” Cô trả lời “hai”.
Tôi
hỏi “tên họ là gì?” Cô trả lời “một người là Maria Loza và người kia là Ester”.
Với
thông tin đó, tôi trở vào và nói chuyện với bà “mối quan hệ giữa bà với cô con
dâu Maria Loza thế nào?” “A” bà ta nói với một nụ cười “Maria là một trái tim
nhân hậu. Cô ấy đến thăm tôi với các cháu tôi một tuần hai lần, và mang bánh
đến cho tôi nữa. Cô ấy thật là một cô con dâu gương mẫu.”
Tôi
nói “Còn Ester thì thế nào?”
Yên
lặng. Tôi lập lại câu hỏi đó bốn lần và không có câu trả lời. Bà ta không nói
gì với tôi cả.
Thế
rồi thình lình bà nói “Đừng nhắc đến tên nó. Nó là một con rắn. Nó dụ dỗ con
trai tôi và cũng chẳng cho các cháu tôi đến thăm tôi. Tôi ghét nó! Tôi sẽ không
bao giờ tha thứ vì những gì nó đã làm cho tôi!” Trong giây phút đó bà ta khẳng
định điều Chúa đã phán cùng tôi, vì vậy tôi cố gắng giúp bà hiểu điều trục trặc
với bà.
“Bà
có biết điều gì đang xảy ra ở đây không? Bà đang chết dần chết mòn vì cớ tấm
lòng bà đầy dẫy sự thù ghét và oán giận”.
“Tôi
không cần, tôi sẽ không tha thứ cho nó, dẫu cho điều đó có giết chết tôi” Bà
trả lời giận dữ.
“Nhưng
Chúa đang phán với bà, Ngài nói rằng nếu bà không tha thứ, sự oán hận cuối cùng
sẽ giết chết bà”. Tôi nói:
“Mục
sư, tôi xin lỗi, nhưng tôi thấy mình không muốn làm điều đó”
Tôi
đã hiểu. Có những lúc thật không dễ dàng để tha thứ cho kẻ đã làm tổn thương
chúng ta quá sâu sắc. Tôi đã nghe nhiều câu chuyện về những người đã bị lợi
dụng khi còn nhỏ. Một số những người khác đã bị cưỡng hiếp, phản bội, và bị tấn
công. Tất cả những điều khủng khiếp ấy làm tổn thương người ta vô cùng sâu đậm.
Có
thể những người làm thương tổn không xứng đáng với sự tha thứ của chúng ta.
Nhưng chúng ta cần nhận biết rằng chúng ta đã phạm tội, thậm chí còn tồi tệ hơn
vì đã nghịch cùng Chúa chúng ta là Jesus vậy mà Ngài phán rằng: “Lạy Cha xin
tha cho họ , vì họ không biết điều mình làm ” (Luca 23:34). Tôi giải thích cho
người phụ nữ ấy rằng tha thứ không phải là một cảm xúc, mà là một quyết định.
Nếu chúng ta phải cảm thấy muốn tha thứ, có lẽ không bao giờ chúng ta tha thứ.
Tôi cố gắng giúp bà hiểu lẽ thật nầy, và sau đó chúng tôi cùng cầu nguyện. Tôi
nắm lấy tay bà và mời bà lập lại theo tôi: “Lạy Chúa con tha thứ cho Ester! Lạy
Chúa Jesus con tha thứ cho Estes!” Bà ta đã lấy hết sức để nói được những lời
đó, và cuối cùng bà đã nói được. Bà lập lại nhiều lần “Con tha thứ cho Ester
trong danh Chúa Jesus”. Khi nói điều đó nước mắt bắt đầu dâng lên trong đôi mắt
bà. Đức Thánh Linh đã làm việc trong lòng cứng cỏi của bà. Bà vừa nói vừa khóc
với tôi “Tôi cảm thấy giống như có điều gì đó được nhấc ra khỏi lòng tôi và bây
giờ tôi được tự do”.
Tôi
hỏi “Bà đã tha thứ cho Estes chưa?” Bà nói “Rồi, tôi đã tha thứ”.
Sau
đó sự chữa lành bắt đầu tuôn chảy. Sau ba năm dài không thể bước đi, bà đã đứng
dậy và bước một vài bước. Mọi người trong căn phòng chứng kiến quyền năng thực
sự của sự tha thứ .
Khi Chúng Ta Tha Thứ
“Xin
tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng
tôi... Vả nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời
cũng sẽ tha thứ các ngươi. Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các
ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 6:12, 14:14,15).
Các
câu Kinh Thánh ấy trong Phúc âm Mathiơ dạy chúng ta điều mà các định luật thuộc
linh của Đức Chúa Trời cho phép con người được đến gần sự nhơn từ và thương xót
của Ngài. Nhiều lúc chúng ta không nhận được các ân ban của Đức Chúa Trời, hoặc
chúng ta cầu xin mà không được đáp lời, là do chúng ta đã không vâng giữ các
nguyên tắc thuộc linh được chép trong Lời Ngài.
Chúng
ta hãy xem xét di sản nầy ở mức độ sâu nhiệm hơn hầu cho các phước hạnh bội
phần của Đức Chúa Trời đến được với đời sống của chúng ta. Tôi tin rằng bài cầu
nguyện chung là lời cầu nguyện được nhiều người biết đến nhất trên thế giới,
nhưng đáng buồn thay đó cũng là bài cầu nguyện bị xem thường hơn hết. Chúng ta
hãy xem xét từng phần đoạn Kinh Thánh trong Ma-thi-ơ 6:9-13.
“Xin Tha Tội Cho Chúng Tôi”
Kinh
Thánh chép rằng chúng ta mắc nợ, và mắc nợ Đức Chúa Trời. Như vậy giá của khoản
nợ nầy là thế nào? Liệu chúng ta có thể trả bằng tiền mặt chăng? Bạn hãy nhớ
rằng Chúa Phán: “Tiền công của tội lỗi là sự chết”. Ngài đã trả một giá cho
linh hồn con người, nếu như chúng ta có thể lấy tiền mà mua được thì chúng ta đã
mua. Nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng linh hồn của con người quý hơn cả
vàng hoặc bạc. Điều nầy có nghĩa là chúng ta không thể mua được sự tha thứ của
Đức Chúa Trời. Nhiều người thích nghĩ rằng họ có thể mua được; khi họ qua đời
họ để lại tiền bạc và các thứ vật chất cho Hội Thánh để các thuộc viên trong
Hội Thánh cầu nguyện cho họ. Tôi xin nói với bạn, dầu vậy, Đức Chúa Trời không
phải là một thương gia. Chúng ta không thể mua được sự tha thứ của Ngài hoặc
trả cho Ngài những gì Ngài đã hy sinh trên thập tự giá. Vì vậy con người phải
trả bằng chính sự sống của mình vì cớ sự bội nghịch và không vâng lời của mình.
Điều đó có nghĩa rằng giá của tội lỗi là sự chết.
Nhưng
khi Đức Chúa Trời nhìn thấy toàn thể nhân loại hư mất và hết thảy đều phải
chết, Ngài đã ban Chúa Jesus đến trần gian, không hề có tì vết và không hề phạm
tội, hầu cho hễ ai tin nơi sự công bình của Chúa Cứu Thế không bị hư mất mà
được sự sống. Ngài không sai Con Ngài đến để đoán xét thế gian mà để cứu rỗi
thế gian. Vì vậy cũng như tội lỗi đã vào trong thế gian bởi một con người
(Ađam), và bởi tội lỗi mà có sự chết, thì cũng bởi Chúa Jesus, sự sống và ơn
phước đã vào trong thế gian. Khi Chúa Jesus chịu chết trên thập tự giá, Ngài đã
hoàn thành kế hoạch cứu rỗi và làm trọn ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho loài
người. Trên thập tự giá, Chúa Jesus đã tuyên phán “Mọi sự đã được trọn” hết
thảy đều thấy Ngài bị đóng đinh, nhưng chỉ có một ít người biết rằng Ngài đã
trả món nợ mà con người mắc với Đức Chúa Trời.
Chúa
Cứu Thế là Đấng Trung Bảo của chúng ta. Khi được lên thiên đàng, chúng ta sẽ
mang theo mình của cầm thuộc linh mà Ngài đã giao vào tay chúng ta khi tiếp
nhận Ngài vào lòng. Bạn có biết của cầm đó là gì không? “Lạy Cha! Con đã trả
món nợ của Carlos bởi mạng sống và bằng huyết của con”, biên nhận nầy không
phải được viết bằng mực, mà là bằng huyết mà Chúa Jesus người Naxarét đã đổ ra
vì cớ chúng ta tại thập tự giá. Điều nầy có nghĩa nếu bạn dâng đời sống mình
cho Chúa Jesus bạn không còn mắc nợ điều gì nữa, bởi vì ân ban của Đức Chúa Trời
là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jesus Christ Chúa chúng ta.
“Như Chúng Tôi Cũng Tha Kẻ Mắc Nợ Chúng Tôi”
Đây
là phần thứ hai trong khúc Kinh Thánh chúng ta đang xem xét. Theo tất cả những
gì chúng ta vừa mới thảo luận, lời Kinh Thánh thật rõ ràng, công khai tuyên bố
rằng để nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời, chúng ta cũng cần phải tha thứ.
Khi Đức Chúa Trời tha thứ chúng ta, chúng ta được hòa thuận lại với Ngài và
nhận được sự cứu rỗi. Nếu chúng ta không vâng giữ nguyên tắc nầy, chúng ta đánh
mất sự tha thứ của Đức Chúa Trời và ơn phước của Ngài. Chúng ta cũng gặp nguy
cơ mất cả sự cứu rỗi mà Chúa Jesus đã ban cho chúng ta cách nhưng không qua sự
chết của Ngài trên thập tự giá ở tại Gôgôtha.
Từ
ngày nầy sang ngày khác chúng ta nhìn thấy những gương mặt đầy cay đắng và giận
dữ. Sự thù hằn không những làm chai sạn tấm lòng, mà còn làm cứng cỏi nét mặt
của chúng ta. Khi tâm linh buồn bực, nó bày tỏ ra trên nét mặt của chúng ta, và
cuối cùng cùng làm khô héo xương cốt chúng ta. Nó tác hại đến sức khỏe thuộc
thể của chúng ta. Kinh Thánh chép rằng “Khi tôi nín lặng, các xương cốt tôi
tiêu tàn” (Thi Thiên 32:3). Thù hận và căm ghét làm tổn thương linh hồn và tấm
lòng chúng ta, nếu chúng ta không chữa lành các vết thương ấy cách hoàn toàn,
chúng sẽ tiếp tục bị rỉ máu. Suốt nhiều năm chúng ta cứ mang theo mình những
mối ác cảm, thù hằn và mong muốn trả thù những người đã làm tổn thương chúng ta
trong quá khứ. Nếu không để cho Chúa can thiệp và chữa lành, chúng ta sẽ cứ bị
thương mãi mãi.
Tất
cả những cảm giác tức giận, oán ghét, hoặc thù hận đều là một cánh cửa mở cho
ma quỉ. Những cảm xúc nầy, một khi nằm dưới sự kiểm soát của ma quỉ, đem đến sự
tự tử, buồn chán, điên cuồng, và mọi thứ tật bịnh. Bảy mươi phần trăm những
người phải vào trại giải cứu là những người bị quỉ ám, nhưng hầu hết các nan đề
thuộc linh của họ đều do thiếu lòng tha thứ.
Trong
sách Êphêsô, Chúa dạy chúng ta như sau “Ví bằng anh em đương cơn giận thì chớ
phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn, và đừng cho ma quỉ nhơn dịp” (Ê-phê-sô
4:26-27). Kinh Thánh không bảo chúng ta đừng nổi giận, nhưng Đức Chúa Trời
không muốn cơn giận đó kéo dài qua đêm. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ chúng ta
hãy sửa ngay lại mọi sự với Chúa và với những người chúng ta có thể đã làm tổn
thương hoặc làm hại trong ngày hôm đó.
Nếu
trong cuộc đời của mình chúng ta đã lầm lỡ và phạm tội cùng Đức Chúa Trời, thì
Ngài là thành tín và công bình để tha mọi tội lỗi của chúng ta. Chúa phán rằng
“Ta sẽ chẳng còn nhớ đến tội lỗi gian ác của chúng nó nữa” (Hê-bơ-rơ 10:17).
Nhiều
người, thậm chí là những Cơ Đốc Nhân, không nhận biết sự tha thứ quan trọng như
thế nào. Nhưng đối với Đức Chúa Trời, ghét một anh em thì cũng phạm tội như đã
giết người ấy. “Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người, anh em biết rằng chẳng
một kẻ nào giết người có sự sống đời đời ở trong mình” (I Giăng 3:15). Bây giờ
bạn đã hiểu điều tôi muốn nói chăng? Chúa phán rằng “Người nào nói mình ở trong
sự sáng mà ghét anh em mình là vẫn còn ở trong sự tối tăm. (Xem I Giăng 2:9-11 )
nhưng Ngài cũng phán rằng “Nếu chúng ta yêu thương anh em mình thì chúng ta
đang ở trong sự sáng và không điều gì gây cho chúng ta vấp ngã”.
Hỡi
các anh chị em yêu dấu của tôi, hãy đọc cho cẩn thận. Không phải tôi nói những
lời đó, mà chính là Chúa. Trong I Giăng 4:20 chúng ta biết rằng nếu yêu Đức
Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì chúng ta là kẻ nói dối. Vì nếu không
thể yêu anh em, là những người mình thấy, thì làm thế nào yêu Đức Chúa Trời, là
Đấng chúng ta không thấy? Vì vậy đây là mạng lệnh của Chúa “Ai yêu Đức Chúa
Trời, thì cũng phải yêu anh em mình” (I Giăng 4:21).
Vì
vậy đừng yên lặng lâu hơn nữa. Đừng cứ giấu mãi những cảm xúc đang làm bạn khốn
khổ trong quá nhiều năm tháng. Có thể đó chính là vách tường trong tấm lòng bạn
đã ngăn chận những phước hạnh lâu dài không đến được với đời sống bạn. Vì vậy
hãy xưng tội và ăn năn đi, bạn sẽ tìm thấy sự giải hòa. Không có gì tốt hơn
điều đó.
Tha Thứ Đem Lại Sự Hòa Giải
Trong
một số trường hợp, chúng tôi nói chuyện với những người đã trải qua một thời
gian khó khăn để tha thứ cho chính mình vì những sự lựa chọn sai lầm hoặc những
lầm lỡ mà họ đã phạm trong quá khứ. Tôi thấy những người khác thì oán giận Chúa
vì họ tin rằng Ngài đã hình phạt họ bằng bịnh tật.
Sứ
đồ Phaolô nói lời sau đây về sự tha thứ.
“Nhưng
anh em tha thứ ai, thì tôi cũng tha thứ. Vả nếu tôi đã tha, là vì anh em mà
tha, ở trước mặt Đấng Christ, hầu đừng để cho quỉ Satan thắng chúng ta, vì
chúng ta không phải là không biết mưu chước của nó” (II Cô-rinh-tô 2:10-11).
Nếu
những người đã bị tổn thương mang rễ của sự cay đắng trong lòng, họ không làm
trọn luật tha thứ của Chúa, họ đã cho ma quỉ một cơ hội và mở cửa cho các mưu
chước của nó. Tất cả mọi điều đó đều là những chướng ngại vật và những tranh
chiến mà Satan đặt vào đời sống của những người chưa bằng lòng dâng mọi sự cho
Chúa, kể cả lòng ghen ghét và oán giận của họ.
Chúng
ta biết rằng Satan chỉ đến để cướp giết và hủy diệt, và trong ngày cuối cùng nó
sẽ tung ra hàng triệu quỉ sứ để đem đến tình trạng thù địch giữa vòng con
người. Nó đã thành công trong việc đem sự phân rẽ giữa cha mẹ và con cái, giữa
vợ và chồng, bà gia và nàng dâu, giữa các bạn hữu, giữa những người hàng xóm.
Chúng ta biết rằng nếu chúng ta chiến đấu mà không tha thứ, sẽ ngăn chận các ơn
phước của Chúa đến với đời sống mình. Sứ đồ Phaolô đã dạy trong Rôma 5:10-11:
“Vì nếu khi chúng ta còn là thù nghịch cùng Đức Chúa Trời , mà đã được hòa
thuận với Ngài bởi sự chết của con Ngài , thì huống chi nay đã hòa thuận rồi ,
chúng ta sẽ nhờ sự sống của con ấy mà được cứu là dường nào ! Nào những thế
thôi chúng ta lại còn khoe mình trong Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Jesus Christ
chúng ta , nhờ Ngài mà chúng ta hiện nay đã được sự hòa thuận ”. Khi chúng ta
tiếp nhận Chúa Cứu Thế vào lòng mình chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời.
Và Đức Chúa Trời, Đấng hòa giải chúng ta với chính Ngài qua Chúa Cứu Thế đã ban
cho chúng ta chức vụ của sự giải hòa. Không phải chỉ hòa thuận lại với Ngài, mà
cũng hòa thuận với tất cả những người đã làm tổn thương và làm hại chúng ta
trong quá khứ.
Chữ
hòa giải đến từ tiếng La tinh Reconciliatio , ám chỉ “hành động khôi phục lại
các mối quan hệ bị gãy đổ ”, nó cũng được dịch sang từ Hylạp Katanlage , có
nghĩa là “thay đổi hoàn toàn ”. Chúa Jesus cung ứng những gương mẫu tốt nhất về
sự tha thứ và hòa giải. Chúng ta thấy Ngài tha thứ cho Giuđa, Phierơ, những kẻ
đã đóng đinh Ngài. Về những người nầy Ngài phán rằng “Lạy Cha xin tha cho họ ,
vì họ không biết điều mình làm ”.
Cùng
một Đức Thánh Linh, Đấng xức cho Chúa Jesus cũng là Đấng đang ngự trong chúng
ta ngày nay. Nhiều lúc khi giảng dạy về sự tha thứ, tôi nghe người ta la lên
“Lạy Chúa con tha thứ!” Trong chính giờ phút đó họ nhận được phép lạ và được
đầy dẫy Đức Thánh Linh. Tôi xin nêu lên một ví dụ: Nếu chúng ta muốn đổ đầy
nước vào một cái chai nhưng chúng ta dìm nó vào trong nước mà nắp chai vẫn đậy
kín, thì dầu cho có bao nhiêu tiếng đồng hồ trôi qua cái chai vẫn trống không.
Bạn phải mở nắp chai, thì cái chai sẽ đầy nước. Điều tương tự cũng xảy đến với
đời sống bạn, bạn cần phải tha thứ. Hãy mở chiếc nắp đã không cho Đức Thánh
Linh tự do tuôn đổ trong đời sống bạn. Năm 1994 tôi được mời đến dự kỳ hội đồng
thường niên của các Hội Thánh Ngũ Tuần Đan Mạch. Tôi đã giảng dạy về quyền năng
của sự tha thứ. Có một thanh niên đi nạng khiến tôi chú ý. Anh ta tiến lên phía
trước tòa giảng vừa la lớn vừa khóc “Con tha thứ cho cha con. Lạy Chúa con tha
thứ cho cha con”. Một vài phút sau, tôi thấy anh ta ném cặp nạng trên sàn nhà
và chạy lên bục giảng để nói lời làm chứng. Đức Chúa Trời đã chữa lành cho anh!
Nếu
người anh em của bạn có phạm tội nghịch cùng bạn, hãy nhịn nhục và tha thứ cho
họ. Hãy hiểu rằng mình lường cho họ mực nào, thì họ cũng lường cho mình mực ấy.
Mác 11:25 chép rằng “Khi các ngươi đứng cầu nguyện , nếu có sự gì bất bình cùng
ai , thì hãy tha thứ ”, bí quyết nằm ở chỗ điều chúng ta xưng ra. Có thể chúng
ta không có khả năng đến gặp người mình cần tha thứ. Có thể người đó đã chết
rồi hoặc ở rất xa, nhưng chúng ta có thể xưng ra sự tha thứ của mình ở trước
mặt Đức Chúa Trời, công bố tên của người đó. Ví dụ chúng ta có thể nói “Lạy
Chúa con tha thứ cho Dũng”. Đức Chúa Trời đang lắng nghe bạn và cả ma quỉ cũng
thế. Đức Thánh Linh đã đổ đầy lòng bạn bằng tình yêu thương và chữa lành mọi
vết thương. Khi ấy ma quỉ nhìn thấy sự vâng phục của bạn đối với Đức Chúa Trời
và sẽ thôi hành hại bạn.
Đức
Chúa Trời đã tha thứ cho sự phản bội của Giuđa, sự chối bỏ của Phierơ, là những
kẻ đã đưa Ngài đến thập tự giá, cũng như tất cả tội lỗi của bạn và của tôi. Hãy
suy gẫm đến những lời đó. Hãy xin Đức Thánh Linh giúp đỡ cho bạn, thăm viếng
những chỗ còn tối tăm trong lòng bạn, hãy và đưa ra ánh sáng tất cả những vết
thương mà bạn vẫn che giấu suốt nhiều năm qua trong nỗ lực của mình để quên đi.
Đó là sự lựa chọn của bạn, đừng chờ đợi lâu hơn
nữa. Nếu bạn không tha thứ, Đức Chúa Trời không thể ban phước cho bạn. Hãy khôi
phục lại các mối quan hệ gãy đổ trong lòng bạn, bạn sẽ được đổ đầy nhiều phước
hạnh từ Chúa vinh hiển của chúng ta.