Cuộc Đời Lena Maria - Chương 11


CHƯƠNG 11. VỚI MỤC TIÊU TRONG TẦM NHÌN -NHƯNG TẠI SAO?

Mục Tiêu Trong Tầm Nhìn đã có ý nghĩa hơn là điều tôi có thể tưởng. Từ khi tôi sinh ra, mẹ tôi đã có một bảo đảm chắc chắn rằng điều gì đó đặc biệt sẽ xảy đến với tôi khi tôi bước vào những năm hai mươi tuổi trở đi.
Bây giờ nhìn lại tôi tin rằng nó là chương trình truyền hình, bởi vì nó dẫn đến nhiều điều bất ngờ diễn ra những năm sau đó.
Tôi được nhiều đáp ứng đến từ khán giả truyền hình. Có những người chỉ viết thư để cho tôi biết họ khâm phục tôi thế nào và v.v..., nhưng những lá thư người ta thuật lại cho tôi họ được khích lệ và giúp đỡ thế nào nhờ chương trình truyền hình đã làm cho tôi còn hạnh phúc hơn nữa.
Việc quảng cáo khiến tôi nhận được càng nhiều yêu cầu hơn nữa về các buổi hòa nhạc. Nói với mọi người về Chúa Giêxu thông qua việc ca hát của mình là điều tôi thật muốn làm, cho nên lẽ tự nhiên tôi rất thích được nhận thêm nhiều cơ hội hơn nữa để ca hát.
Đang trong mùa xuân này tôi có nhiều hợp đồng đến nỗi nhạc sĩ piano của tôi Hans-Inge, đã không luôn luôn có đủ thì giờ để cùng đi với tôi. Sara Fält, một người bạn ở trung học đệ II cấp đôi khi thay thế vào chỗ đó để hòa nhạc cho tôi, nhưng chẳng bao lâu tôi bắt đầu cùng làm việc với một nhạc sĩ dương cầm khác là Anders Wihk, trên một căn bản đều đặn hơn. Tôi đã gặp anh ấy trong khoảng thời gian đang hướng dẫn một ca đoàn thanh niên ở tại Stockholm, lúc ấy anh vừa mới từ Mỹ Quốc trở về sau khi hoàn tất năm năm học tại đại học Berkeley về âm nhạc. Enders có lẽ đã không hoàn toàn đồng cảm với lòng ham thích âm nhạc như tôi, nhưng anh đã chia sẻ mong ước của tôi muốn dùng âm nhạc để làm vinh hiển danh Chúa.
Và rồi tôi được dịp diện khiến với nữ hoàng Silvia của Thụy Điển! Vào mùa xuân năm 19;89; nữ hoàng chuẩn bị đến thăm một hội nghị về người khuyết tật tại Mỹ Quốc. Một trong các lý do khiến bà phải đi đến đó là vì muốn giới thiệu một cuốn sách về các môn thể thao dành cho người khuyết tật mà chính nữ hoàng đã khởi xướng và bà cũng đã viết lời giới thiệu mở đầu cho cuốn sách. Một vài người tại cung điện đã xem cuốn phim của Burman và Frick nói về tôi và muốn đem cuốn phim đó với họ để trình chiếu tại hội nghị. Họ nghĩ rằng tôi là một gương mẫu tốt đẹp về người lực khuyết tật, vì vậy một bản phim rút ngắn đã được thực hiện.
Khi hoàng hậu từ Mỹ Quốc trở về bà muốn gặp tôi, và như thế tôi được cho phép một cuộc diện kiến, tôi cảm thấy đây là một vinh dự thật sự khi được gặp bà cách riêng tư, mặc dù dĩ nhiên tôi không được hoàn toàn ở riêng với bà. Hai người làm phim, Henrik Burnan và Sven - Erik Frick, cũng có ở đó và cùng với Gert Engstrưm là người đã đi Mỹ với hoàng hậu, và một người phụ nữ giúp việc. Chúng tôi được dành nửa tiếng đồng hồ để nói chuyện với hoàng hậu. Nhưng thật vui vì chúng tôi đã tiếp tục nói chuyện lâu hơn một ít.
Hoàng hậu Silvia hỏi nhiều việc về đời sống của tôi và những giấc mơ cũng như hy vọng tôi muốn có trong tương lai. Sau đó thì cuộc diện kiến kết thúc và một vài tấm hình được chụp do những phóng viên nhà báo, rồi chúng tôi chào từ biệt. Hoàng hậu ở lại để tiếp tục cuộc hẹn sau đó của bà hơi trễ một chút.
Khi đi ra sân sau của cung điện, chúng tôi nhận thấy trời đang mưa. Tôi chỉ mới chạy một vài bước về hướng xe của mình trước khi bị trượt và ngã đập đầu xuống đất. Thỉnh thoảng tôi cũng bị té ngửa và hầu như không sao cả, nhưng lần này mọi sự dường như quay cuồng khi tôi cố gắng ngồi dậy.
Gert Engstrưm lo lắng và muốn điện thoại gọi xe cứu thương ngay lập tức, nhưng tôi nghĩ điều này hoàn toàn không cần thiết. Dầu vậy một lúc lâu sau buộc lòng tôi phải chịu thua bởi vì tôi hoàn toàn không thể ngồi dậy được và chân trái của tôi đã bắt đầu đau vô cùng.
Chân giả gần như bị rời ra hẳn khi tôi bị té, và đồng thời chân tôi đã bị trặc - đó là lý do tại sao nó đau nhiều như thế. Xe cứu thương đã đến và họ đem tôi vào bệnh viện với một tốc độ nhanh như chớp. Mặc dầu chân vẫn còn bị đau, tôi thấy được đi trên xe cứu thương tại Stockholm là một kinh nghiệm thật đặc biệt, xe chạy nhanh, vì trọn cuộc hành trình tất cả những xe khác đều phải nhường đường cho chúng tôi.
Sau khi đến bệnh viện tôi phải ngồi và chờ một lúc lâu, nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đến tôi. Tôi ngồi và hát nho nhỏ cho mình đủ nghe và thưa với Chúa cũng như kêu xin Ngài giúp đỡ. Tôi đã hẹn một buổi hòa nhạc trong cuối tuần đến và không muốn hủy bỏ nó cho nên tôi thưa “Chúa ôi bây giờ Ngài sẽ phải lo liệu để con có thể mạnh khỏe để đi đến đó.”
Sau khi chờ ba tiếng đồng hồ, tôi được cho phép đến cho một bác sĩ khám, được kiểm tra và chụp quang tuyến X. Trên phim họ có thể thấy ba vết nứt nơi chân trái của tôi, cho nên không lạ gì nó đã gây cho tôi đau đớn. Bác sĩ cho tôi một ít thuốc trị đau nhức và một người bạn lái xe chở tôi về nhà, tôi uống một viên và đi ngủ.
Sáng hôm sau, khi thức dậy, tôi khám phá thấy mình ngạc nhiên vì tất cả những cơn đau nhức đã biến mất. Dĩ nhiên nó vẫn còn đau khi tôi cố gắng di chuyển chân, nhưng cơn đau nhức liên tục đã biến mất, và điều này làm cho tôi phấn khởi vô cùng.
“Điều này thật tốt Chúa ôi! Xin cứ tiếp tục như thế!” Tôi suy nghĩ và đi đến một trung tâm nơi họ có những phương tiện giúp đỡ cho người khuyết tật. Thật không thể lúc nào cũng cứ nhảy lò cò một chân, cho nên tôi thật vui khi họ cho tôi mượn một chiếc xe đẩy. Nhưng tôi còn vui sướng hơn nữa khi tôi trở về nhà và thấy 20 đóa hoa tulip vàng treo ở cửa ra vào. Chúng đến từ hoàng hậu với lời chúc mừng mong tôi “Chóng Bình Phục”. Không phải ngày nào người ta cũng nhận được hoa từ hoàng hậu Silvia...
Tuy nhiên vài ngày sau đó tôi phải có bài tập hát tại nhà thầy giáo Lena Ericsson. Việc này là một nan đề nhỏ, bởi vì căn hộ của bà ở tầng ba và không hề có thang máy. Tôi biết rằng mình không thể nhảy lò cò lên tất cả các bậc cấp, bởi vì sau đó tôi không thể đủ sức hát, nhưng có lẽ chỗ sưng phồng đã xẹp bớt đủ để giúp đỡ tôi một chút nào chăng? Tôi cố gắng rón rén đi bằng chân giả. Thật ngạc nhiên vô cùng nó có thể hoạt động! Và sau khi quen thuộc được với bài tập hát, tôi quyết định rằng mình cũng có thể đến buổi hòa nhạc nữa. Và sự thật đã diễn ra như thế!
Một tuần sau tôi nhận được một cú điện thoại từ Gert Engstrom cho tôi biết rằng Hoàng Hậu Silvia muốn tặng tôi một học bổng từ quỹ kỷ niệm đám cưới của Đức Vua và Hoàng Hậu để tôi có thể tiếp tục việc học nhạc. Tôi được trao tặng mười ngàn kronor mà tôi dùng trang trải chuyến đi Mỹ để nghiên cứu “Phúc Âm Đen” tại một hội nghị Phúc Âm quan trọng ở đó.
Thật là một kinh nghiệm lớn lao vô cùng khi là một giọng ca trong ban hát khổng lồ gồm hai ngàn năm trăm người (trong đó chỉ có năm người da trắng) với thật nhiều ca trưởng. Quanh tôi toàn là những phụ nữ da đen khỏe mạnh, hát đến nỗi mặt đất cũng phải rúng động. Đó là nơi tôi được học biết hát theo kiểu Phúc Âm thật sự như thế nào!
Trở về lại Thụy Điển tôi tiếp tục làm việc với những âm giai và bài tập hát của mình, và đồng thời Anders và tôi có hàng loạt những buổi hòa nhạc. Việc đó diễn ra trọn thời gian này.
Vào mùa xuân 1991 mọi việc trở nên càng tất bật hơn nữa. Khi một phiên bản phim ngắn của chương trình Mục Tiêu Trong Tầm Nhìn đã được cho phát hình tại Nhật Bản. Đó là trong giờ đầu tiên của chương trình Trạm Tin Tức nổi tiếng trên đài truyền hình Asahi, một trong những băng tầng truyền hình lớn nhất tại Nhật Bản.
Thật nhiều phản ứng đến từ khán giả Nhật Bản. Có lẽ lý do chính của điều này là họ vốn có một thái độ hoàn toàn khác đối với người khuyết tật. Đại đa số dân Nhật nghĩ về những người khuyết tật như là các công dân thứ yếu. Qua chương trình truyền hình này họ đã nhận được một bức tranh hoàn toàn khác hẳn.
Nhà sản xuất là một phụ nữ tên là Kaori Asamoto đã quyết định gởi một đội người Nhật đến Thụy Điển để thực hiện chương trình riêng của họ nói về tôi. Đội làm phim của họ đã ở cùng tôi tại Stockholm trong một tuần, và họ có thì giờ đi với tôi đến thật nhiều nơi. Họ cùng đi với tôi đến buổi hòa nhạc của tôi. Nhưng họ cũng quay phim tôi ở nhà để cho thấy cách tôi thích nghi với mỗi ngày đời thường thể nào.
Chương trình này đã được phát đi một buổi chiều thứ sáu, và có thật nhiều người Nhật xem. Thứ sáu tiếp theo đó tôi đã ở tại Trạm Tin Tức trong phòng quay phim để được phỏng vấn và để hát trong chương trình của họ trực tiếp phát sóng. Tôi thấy tất cả việc nầy thật là thích thú, nó đặc biệt nói lên rằng có một triễn vọng giúp tôi có thể tiếp tục sự nghiệp âm nhạc của mình ngay cả sau khi đã hoàn tất đại học.
Mùa hạ năm 1991 khi tốt nghiệp NhạcViện tại Stockholm, tôi hoàn toàn thích thú với ý nghĩ được tham gia vào sự nghiệp ca hát trong vài năm sắp đến và tôi thật cảm tạ rằng mình có thể làm điều này trọn thời gian. Tôi yêu thích ca hát. Vào mùa thu, tôi trở lại Mỹ một lần nữa. Nhạc sĩ dương cầm của tôi là Anders và tôi đã được mời đến trình tấu thánh ca tại nhiều hội thánh khác nhau tại Mỹ trong gần hai tháng. Ở những nơi khác, chúng tôi được yêu cầu dự phần trong một chương trình phát sóng trực tiếp một buổi lễ tại thánh đường Crystal tại Los Angeles.
Chuyến du hành này thật bận rộn. Trong vòng năm mươi bốn ngày, chúng tôi đã thực hiện năm mươi sáu lần trình tấu khác nhau, trong số đó ba mươi lần là hòa nhạc hoàn toàn. Điều này thật là quá nhiều. Khi trở về nhà tôi cảm thấy không được khỏe. Tôi được ở nhà với cha mẹ trong mùa Giáng sinh, nhưng tôi dành hầu hết thì giờ này để ngủ.
Thể trạng của tôi có lẽ vẫn ở trong điều kiện tốt, nhưng tinh thần tôi thì không được vậy. Tôi không còn muốn làm gì cả. Tôi mất hết cả ao ước của mình về mọi sự. Tôi cũng không thèm ăn uống gì nữa. Tôi không muốn gặp bất cứ người nào. Tôi cũng không còn sức lực để cầu nguyện. Điều duy nhất tôi muốn là ngủ.
Trong chuyến đi Mỹ của chúng tôi, tôi đã mua cho mình một cuốn Kinh Thánh tiếng Anh. Nội dung cuốn Kinh Thánh đã được phân chia ra thành các sách theo thường lệ, các thư tín và phân đoạn, nhưng bản này cũng được chia theo lịch ngày nữa. Ý tưởng này muốn người ta sẽ đọc mỗi ngày một ít và như thế sẽ đọc hết Kinh Thánh trong một năm. Mặc dù thật rã rời, tôi đã cầm cuốn sách đó và bắt đầu đọc. Hoàn toàn không có gì mới với tôi, vẫn là những câu chuyện sáng tạo trong những cuốn Kinh Thánh khác mà tôi đã đọc nhiều lần, cũng là tình cảnh nô lệ tại Ai cập, cũng vậy, cũng vậy...
Tuy nhiên, sau một vài ngày nghỉ ngơi, tôi để ý thấy lần hồi niềm vui cũ và lòng nhiệt thành với cuộc sống bắt đầu trở lại và tôi nghĩ rằng mình đặc biệt cảm thấy khỏe, đó là lúc tôi được đọc cuốn Kinh Thánh tiếng Anh.
Không lâu sau đó tôi thấy khỏe hơn nhiều, nhưng bây giờ tôi phải ngồi xuống và suy nghĩ mọi sự một cách thích đáng. Trải qua những năm gần đây toàn bộ đời sống tôi đã được dẫn vào hai chữ “nếu” và “thì.” Khi cuộc sống đã diễn ra trong khoảng thời gian được huấn luyện bơi lội, tôi đã suy nghĩ “nếu khi nào tôi được cho phép cống hiến chính mình cho việc ca hát một cách thích đáng - thì lúc ấy mọi sự sẽ trở thành dễ chịu hơn.” Và rồi sau đó khi được ở ngay trung tâm của sự nghiệp học hỏi âm nhạc của mình, tôi đã nghĩ: “Nếu khi nào tôi hoàn tất đại học và được cho phép ca hát trọn thời gian - thì lúc ấy toàn bộ cuộc sống của tôi sẽ trở thành tốt đẹp hơn.”
Bây giờ tôi đã là một ca sĩ trọn thời gian, nhưng lại tôi đã lại va đầu vào tường một lần nữa y như vậy.
Đồng thời tôi suy nghĩ về động cơ của mình và những sự thôi thúc của Chúa.
Cha mẹ tôi đã luôn luôn khích lệ tôi theo đuổi điều lòng mình ao ước. Thực hiện điều gì thật sự thâm sâu trong lòng tôi. Trọn đời tôi, ao ước của tôi đó là được làm điều mà Chúa muốn tôi làm. Tôi biết rằng chỉ khi ấy mọi sự mới trở thành tốt nhất.
Nhưng bây giờ tôi bắt đầu thắc mắc phải chăng mình vẫn còn đi theo ý muốn của lòng mình. Có lẽ tôi chỉ ca hát bởi vì bây giờ mọi người đều muốn tôi hát? Tôi không còn vui thích trình diễn và tổ chức những buổi hòa nhạc nữa. Điều duy nhất tôi muốn làm và điều duy nhất tôi có thể làm lúc đó là lắng nghe hữu thể sâu thẳm trong lòng tôi một lần nữa.
Tôi đã không đột ngột ngưng việc ca hát. Ít nhất không phải vì áp lực vẫn tiếp diễn từ Nhật Bản và không do điều tôi đã hứa thực hiện một chuyến du hành dài trong mùa xuân năm 1992. Nhưng tôi mau chóng nhận ra rõ là mình cần phải có một thời gian tạm nghỉ để suy gẫm sâu xa điều tôi muốn làm trong đời tôi từ nay trở đi. Tôi quyết định vào Trường Kinh Thánh.
Đó là nguyên do khiến tôi đến Ấn Độ!