Cuộc Đời Lena Maria - Chương 8


CHƯƠNG 8. HƯỚNG VỀ THẾ VẬN HỘI SEOUL

Các vận động viên bơi lội Thụy Điển thực sự vượt trổi hơn tất cả mọi người khác trong giải vô địch quốc tế tại Gothenburg. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã chiếm được 42; huy chương vàng.
Vào khoảng giữa các năm 1980 những vận động viên bơi lội Thụy Điển trong tư cách của một quốc gia đã thành công lớn lao, chúng tôi tổ chức các đội của mình rất tốt để địch lại những nước “lớn” như Đức, Anh và Mỹ, và đôi khi chúng tôi còn giỏi hơn cả họ nữa. Chúng tôi đã thắng thật là dễ dàng.
Lẽ tự nhiên điều đó không phải là chỉ nhờ có mình tôi mà thôi! Có khoảng năm hoặc sáu vận động viên Thụy Điển nổi bật trong nhóm của họ (và cũng có rất nhiều cấp bậc khác nhau cũng như thể loại khác nhau giữa vòng những người khuyết tật), và khi họ tranh tài ở trong các cuộc đua - có lẽ chỉ có bốn hoặc năm trong mỗi cuộc đua - điều này hiển nhiên đem lại kết quả là rất nhiều huy chương. Cặp anh em sinh đôi thành công nhất là Magdalena và Gabriella Tjernberg, giữa vòng những vận động viên bơi lội này, và họ trở nên những người bạn thân của tôi.
Dĩ nhiên những huấn luyện viên cũng như các vận động viên bơi lội đều có tầm quan trọng rất lớn, nhưng không phải ít quan trọng khi cần tìm nguồn tài trợ cho các trại huấn luyện và các cuộc đua vì nhờ đó chúng tôi mới được hỗ trợ để có thể đi.
Đây là trường hợp khi chúng tôi phải di chuyển đến cuộc tranh tài ở Nordic ở tại quần đảo Faroe. Bengt Olofsson, chủ tịch hiệp hội những vận động viên bơi lội khuyết tật, trong trường hợp này đã ký hợp đồng với bộ quốc phòng để cho phép chúng tôi bay trên một chiếc Hercules đi đến nơi tranh tài và trở về. Chúng tôi được ngồi trên những ghế tựa như những chiếc võng vậy, có đai lưng an toàn cột chặt và nhét kín lỗ tai. Tiếng ồn thật kinh khủng, nhưng chuyến bay thật là thích thú. Chuyến đi về nhà còn hấp dẫn hơn nữa trong thời tiết xấu khi không máy bay nào được phép cất cánh. Đây là chuyến bay nhồi xóc dữ nhất mà tôi từng được đi, nhưng chúng tôi đã đi an toàn, về đến nhà thật vui mừng vì không cần phải đợi thời tiết tốt hơn.
Tiện thể, tôi có một giai thoại thật buồn cười từ trại huấn luyện ở Tranås. Đã đến Linkưping để trình diễn bơi lội bây giờ chúng tôi đang lái xe về lại Tranås. Tôi vừa nhận được giấy phép lái xe và đang lái xe, với Annelie Ưsterstrưm và Marie - Louiuse Freij là những hành khách của tôi. Chúng tôi đã tạm dừng để đi vào một cửa hàng McDonald (tự thân việc này là điều cấm kỵ đối với hội viên của đội tuyển quốc gia). Khi tôi nhận ra rằng tôi để quên chìa khóa ở trong xe. Và chiếc xe đã bị khóa!
Chúng tôi gọi điện thoại cho cảnh sát, và một lúc sau họ đến để giúp chúng tôi. Nhưng thoạt đầu họ do dự khi mở cửa xe. Họ nhìn từ tôi là người không có cánh tay nào tới những người bạn đồng hành với chúng tôi là Annelie và Marie Louiuse, là những người bị thấp một cách kỳ lạ và họ nhìn ngược lại tôi một lần nữa và bảo: “Ai trong các bạn là người lái xe này?” Bởi vì xe của tôi, một chiếc Honda Prelude, bề ngoài giống như tất cả những chiếc xe bình thường khác. Tay lái ở nơi bình thường (tôi lái bằng chân phải của mình), chân ga và chân thắng được nối dài một ít để vừa cho chân trái của tôi. Công tắc bật đèn cũng như những công tắc đèn báo hiệu khác được đặt nơi dựa đầu và được điều khiển bằng những động tác của đầu tôi.
Tôi không thể nhớ rằng mình có phải xuất trình cho cảnh sát giấy phép lái xe của mình hay không, nhưng mọi sự đã diễn ra tốt đẹp, năm chiếc xe cảnh sát đến nối đuôi nhau - chỉ vì tò mò mà thôi! - để giúp chúng tôi và sau một vài lời bàn luận họ quyết định mở cửa xe ra và chúng tôi đã có thể tiếp tục cuộc hành trình trở lại trại huấn luyện.
Năm 1987, một năm sau cuộc tranh tài thế giới, giải vô địch Âu châu được diễn ra ở tại Pháp mọi sự đã thật ổn định sẵn sàng lúc bấy giờ. Tôi đoạt được bốn huy chương vàng trong bốn cuộc tranh tài khác nhau, nhưng nếu thành thật mà nói, tôi không còn nhớ hết những lần hoặc những cuộc tranh tài mà tôi đã thắng. Dĩ nhiên tôi có thể nhớ là tôi đạt được kỷ lục thế giới là nhờ môn bơi bướm!
Không phải chỉ có đội tuyển quốc gia của chúng tôi tham dự giải vô địch Châu Âu nhưng chúng tôi cũng dự phần trong nhiều cuộc tranh tài khác và cũng như trong nhiều trại huấn luyện khác. Một lần nọ tôi gặp một người Pháp là người cũng không có hai cánh tay giống như tôi. Một ngày nọ chúng tôi ngồi ngoài trời để chơi bài với một số bạn khác đến từ trại huấn luyện, dĩ nhiên người Pháp này và tôi có cách riêng của mình để giữ các con bài, tôi giữ chúng bằng chân của mình trong khi nghiên cứu một cách tỉ mỉ kỹ thuật giữ các tấm bài của anh ta. Tôi kết luận rằng thật dễ dàng hơn nhiều nếu mình có những ngón chân dài. Khác với những ngón chân của tôi vì nó giống như kích cỡ những miếng xúc xích nhỏ bé.
Nhưng bây giờ đã đến lúc gần kề với điều mà nhiều người trong chúng tôi xem như là mục tiêu quan trọng nhất của việc huấn luyện, đó là kỳ thế vận hội Olympic dành cho người khuyết tật, hoặc gọi là Paralympic Games được tổ chức ở tại Seoul-Nam Triều Tiên, tiếp theo sau thế vận hội Olympic. Đây là mục tiêu của tôi mặc dù tôi đã chuyển đến Stockholm và bắt đầu học tại nhạc viện Stockholm. Bơi lội, những cuộc tranh tài và tất cả những đợt huấn luyện của tôi đã nuốt chửng nhiều thì giờ của tôi. Tôi bắt đầu tự hỏi mình rằng tôi đang làm gì đây? Có thật nó là những gì giá trị đáng cho tôi phải dùng tất cả nỗ lực của mình chăng? Tôi chưa từng bao giờ thích thú sự huấn luyện!
Điều đã thúc đẩy tôi không phải là những thành công của tôi nhưng chính là ham muốn được đi đây đó, và tình đồng chí đồng bạn giữa vòng những vận động viên bơi lội chúng tôi trải qua những trại huấn luyện và tại các cuộc tranh tài. Có nhiều buổi chiều khi tôi nói chuyện với một người cùng phòng về mọi vấn đề ở dưới mặt trời: từ một số điều liên quan đến hoàn cảnh của những người khuyết tật cho đến những suy nghĩ của chúng tôi về cuộc đời và về Thượng Đế. Tôi khám phá ra rằng so với phần lớn những bạn của tôi tại đây, tôi thật may mắn vì có một thời thơ ấu và có cha mẹ thật tuyệt vời, họ là những người không chỉ yêu mến tôi, nhưng cũng đã chỉ cho tôi biết con đường đức tin.
Nhiều lần, tôi được yêu cầu thuật cho họ lý do tôi không bao giờ cảm thấy tức giận hoặc cay đắng về khuyết tật của mình, và đôi khi tôi chỉ có thể giúp đỡ người khác bằng việc lắng nghe mà thôi. Chính những cuộc đối thoại này khiến tôi nghĩ rằng theo đuổi sự huấn luyện thật có ý nghĩa.
Vào tháng Giêng năm 1988 khi còn mười tháng trước khi đi đến thế vận dành cho người khuyết tật tại Seoul, dù vậy tôi đã thấy quá đầy đủ cho mình. Tôi muốn dừng lại. Tôi nói với Chúa và chính mình rằng tuần sau tôi sẽ đi đến huấn luyện viên đội tuyển quốc gia để nói với ông rằng tôi muốn chấm dứt. Tuy nhiên hai ngày sau đó, tôi nhận được một cú điện thoại từ một người phụ nữ mà tôi được biết bà đã cầu nguyện cho tôi trong nhiều năm. Bà nói với tôi rằng trong khi cầu nguyện cho tôi bà cảm thấy rằng Đức Chúa Trời muốn bà gọi điện cho tôi để khích lệ tôi về việc có liên quan đến sự nghiệp bơi lội. Bà đã hoàn toàn không biết gì về mọi chương trình kế hoạch của tôi. Cú điện thoại này đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ của mình, tiếp tục việc huấn luyện và trở nên một thành viên của đội tuyển quốc gia dành cho người khuyết tật của Thụy Điển.
Buổi lễ khai mạc thế vận dành cho người khuyết tật thật sự đã là một kinh nghiệm lớn lao hơn hết cho mọi người. Hơn bảy mươi ngàn khán giả đã tràn chiếm hết chỗ khán đài, trong khi khoảng chừng bốn ngàn vận động viên khuyết tật đến từ sáu mươi quốc gia đi diễu hành vào trong vận động trường Olympic. Đội Thụy Điển bao gồm một trăm ba mươi hai người. Âm nhạc trổi lên từ những giàn loa phóng thanh, trong khi những màn hình vĩ đại đang chiếu cảnh gần của tất cả những người tham dự trong khi họ đang bước vào. Ngọn lửa Olympic đã được thắp sáng. Toàn thể nghi lễ khai mạc thật là đầy tính hội hè và đầy màu sắc. Gần như cũng vui nhộn và đầy màu sắc như lễ khai mạc của những thế vận hội thông thường - và tôi nghĩ đó là một xúc cảm lớn lao khi được cùng ở chung với quá nhiều những con người đang ca ngợi và vui mừng, tôi phải thừa nhận một điều mình đang suy nghĩ đó là “khi chúng ta đến thiên đàng có lẽ cũng sẽ giống như lễ hội hôm nay!”
Toàn thành phố Seoul cũng chịu ảnh hưởng bởi thế vận hội đang diễn ra. Trong một vài thành phố chủ nhà khác khi tổ chức thế vận hội và tranh tài cho người khuyết tật, các cuộc tranh tài có phần dường như kết thúc sau khi đã xong thế vận hội đầu tiên dành cho những người bình thường. Nhưng điều đó không giống như ở tại Seoul. Toàn thể thành phố dường như nghĩ rằng thế vận hội dành cho người khuyết tật ít nhất thì cũng quan trọng ngang bằng với thế vận hội dành cho các lực sĩ không bị khuyết tật. Thế vận hội dành cho người khuyết tật tại Seoul có biểu tượng riêng của nó là một con gấu. Những biểu ngữ và áp phích trước đã được thay thế cho những biểu ngữ và áp phích mới và khắp nơi đều có hoa và cờ xí nở rộ.
Dầu vậy họ cũng đã có một sai lầm lớn. Khi làng thế vận được xây dựng thì họ đã quên xây nó theo một cách thích hợp cho người khuyết tật. Đến những giây phút chót, những người tổ chức phải xây dựng một làng thế vận mới có chín tòa nhà cao với những căn hộ phù hợp cho người khuyết tật và chúng tôi đã được đưa đến đó.
Các cuộc tranh tài đã được xem rất là tốt và đã tràn ngập các phương tiện báo chí và truyền hình. Nhiều đám đông khán giả ở trên khán đài, không ít người đến từ nhiều hội thánh khác nhau tại Seoul. Họ chào mừng những người tham dự bằng nhiều loại cờ xí và biểu ngữ khác nhau, đôi khi họ cũng đã luyện tập những bài hát ủng hộ đến từ quốc gia mà họ quyết định cổ vũ. Mọi người đều cổ vũ cho quốc gia của họ thật rầm rộ.
Tôi đã tham dự bốn cuộc tranh tài: 25m bơi ngửa, bơi sấp, bơi tự do và bơi bướm. Môn thể thao tốt nhất của tôi là bơi bướm. Và lẽ tự nhiên tôi đầu tư vào môn thể thao nầy hơn tất cả. Tuy nhiên, buổi chiều trước khi cuộc tranh tài diễn ra, tôi được cho biết rằng không có đủ quốc gia tham dự trong môn tranh tài này bởi vì một quốc gia đã rút lui. Như thế trận tranh tài 25m bơi bướm đã phải hủy bỏ. Phóng viên của báo Aftonbladet buổi chiều là Leif-Åke Josefsson đã quan tâm đến sự kiện này và viết bài dưới đây:
Lena Maria Johanson là nạn nhân của trận tranh tài dành cho người khuyết tật phải thay đổi hôm nay... trường hợp của Lena Maria là trường hợp duy nhất trong số những trường hợp khác thuộc các cuộc tranh tài của người khuyết tật kỳ này đã bị ảnh hưởng bởi những sự xáo trộn và thay đổi. Trong môn thi đấu đặc biệt của cô đã không có đủ bốn thành viên tham dự theo qui định. Kết quả là không có cuộc tranh tài! Lena Maria phải thỏa lòng với những thể loại bơi lội khác của cô, một vài hạng năm và hạng sáu, như thế có nghĩa là không có huy chương vàng nào trong Thế Vận Hội tìm vàng kỳ này. Không biết cô có chịu bền chí chờ đợi cho đến kỳ Thế Vận tiếp theo hay chăng? Tại Barcelona năm 1992 sắp đến, khi đó có lẽ sẽ có một vận may mới tốt hơn chăng...
Phải thừa nhận rằng tôi đã thất vọng đôi chút, nhưng tôi khó có thể nghĩ rằng mình là một nạn nhân. Tôi cảm thấy vui và hạnh phúc về vị trí thứ tư môn bơi ngữa, vị trí thứ năm trong môn bơi tự do và vị trí thứ sáu trong môn bơi sấp. Tôi đã quá mệt mỏi trong các đợt huấn luyện và nay tôi muốn cống hiến chính mình nhiều hơn cho âm nhạc và việc ca hát.
Tôi không hề cố gắng đợi đến Barcelona. Cuộc tranh tài Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật ở tại Seoul đã là cuộc tranh tài cuối cùng của tôi, bởi vì giống như một câu ngạn ngữ khôn ngoan đã nói rằng “người ta cần phải dừng lại đang khi mọi sự đang ở đỉnh cao.”