Cuộc Đời Lena Maria - Chương 5


CHƯƠNG 5. ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG

Tôi nghĩ rằng cha mẹ đã hồi hộp hơn tôi bội phần khi đến thời điểm tôi phải đến trường.
Chúng tôi đến sân trường trong một thì giờ tốt nhất. Những đứa trẻ khác cùng bước vào năm đầu tiên bậc tiểu học đã đến cùng với cha mẹ của chúng, và một lúc lâu sau thì cả sân trường đầy người. Phần lớn bọn trẻ đều nhìn tôi, dĩ nhiên hầu hết chúng đều nhìn và tự hỏi tại sao tôi như vậy. Sau một thời gian vài đứa có đủ can đảm và tiến đến để nói chuyện, hỏi han tôi. Tôi nghĩ rằng mình đã trả lời tất cả những điều gì có thể trả lời. Và khi chúng đã quen thuộc với khuyết tật của tôi, thì điều đó thành ra tự nhiên đối với chúng, và tôi cũng như bất cứ đứa nào khác trong đám bạn của chúng.
Tôi được đóng cho một cái bàn học đặc biệt, nó có độ cao như là một chiếc ghế, và ở phía trên của chiếc bàn là một giá sách, nơi mà tôi đặt những cuốn sách học của mình. Theo cách này thật dễ dàng cho tôi có thể lấy sách bằng chân của mình. Khi thầy giáo hỏi một câu hỏi,và chúng tôi phải giơ tay lên để trả lời, thì tôi đưa chân lên và quơ bàn chân - nếu tôi biết câu trả lời là....
Trước đây tôi phải có một người giúp đỡ riêng ở trong nhà trẻ. Pia Lundstrưm là tên của cô, và cô đã tiếp tục giúp đỡ tôi cho đến khi tôi lên năm. Cô thật là một sự giúp đỡ lớn lao cho tôi khi cần phải làm một số điều mà tôi không thể làm được, nhưng tôi đã cố gắng để tự lo được chừng nào tốt chừng nấy, và tôi muốn như vậy; tôi nghĩ điều đó thật vui mừng; cha mẹ tôi luôn luôn cẩn thận nhắc nhở điều này cho tất cả những người lớn có liên quan đến tôi, kể cả những người ở trường cũng như những người ở bên ngoài trường học: “Hãy để cho Lena tự làm cho nó được đến đâu tốt đến đấy, đừng giúp đỡ Lena những điều không cần thiết.”
Tôi rất thích trường học, mặc dù lẽ tự nhiên ở đó có nhiều điều mới lạ. Nếu lúc nào đó tôi có phải buồn, là bởi vì tôi cảm thấy không ai có thể làm bạn thân nhất của tôi. Trong trường tiểu học có rất nhiều bé gái có thể đi bách bộ quanh trường với bạn thân nhất của nó, nhưng tôi không bao giờ có được một người bạn thân. Đôi khi tôi về nhà khóc với mẹ và hỏi tại sao không ai muốn làm bạn thân với tôi, mẹ luôn luôn giải thích về điều bằng cách nói rằng tôi cần phải có sự giúp đỡ nhiều cho nên không có người bạn dồng trương lứa nào thực sự có thể thích nghi với điều đó. Thay vì buồn, tôi cần phải học tập để chơi với nhiều đứa trẻ khác nhau, như vậy sẽ không ai phải luôn luôn cứ phải giúp đỡ tôi những điều cần thiết. Dĩ nhiên đôi khi tôi vẫn cảm thấy buồn mặc dầu hiểu được những lý do đó, nhưng bây giờ sau tất cả mọi sự tôi có thể thấy rằng điều đóù đã khiến tôi có được rất nhiều bạn. Cũng vậy tôi đã không phải gặp nan đề trong việc tiếp xúc những người mới. Tôi trở nên không sợ hãi và không cảm thấy xấu hổ về khuyết tật của mình.
Đôi khi những nỗi thất vọng đối với cha mẹ tôi lại tệ hại hơn là đối với tôi. Một lần kia khi đang ở trong trường và sử dụng xe lăn tay, chúng tôi phải tham dự một cuộc du ngoạn của nhà trường tổ chức đi đến Liseberg, là một công viên vui chơi nổi tiếng ở Gothenburg. Mọi người đều trông đợi đến lúc được đi chơi. Tôi cũng vậy, nhưng rõ ràng vì đối với tôi thật khó khăn để phải tự lo trên chiếc xe đẩy, nên cha mẹ cũng cùng đi để có thể nâng tôi lên và khiêng xe lăn mỗi khi có cần. Hai đứa bạn của tôi đã hứa thật chắc chắn rằng chúng sẽ đẩy tôi trên xe đẩy và sẽ ở bên tôi trọn thời gian đó. Mọi sự diễn ra tốt đẹp trong thời gian khoảng hai tiếng đồng hồ đầu, nhưng bỗng nhiên hai bạn tôi ngó thấy điều gì thích thú, chúng chạy mất và hoàn toàn quên tôi.
Đối với tôi điều này chẳng có gì quan trọng, chỉ là một nan đề thực tế, tôi kêu cha tôi và xin ông đẩy tôi đến nơi có những bạn học vừa biến mất đó. Nhưng đối với cha tôi điều đó thật khó chấp nhận hơn bội phần. Mặc dù ông biết rằng các bạn của tôi chỉ vô tình và không có ý hại tôi, nhưng đối với ông thật khó chấp nhận khi phải nhìn thấy tôi bị bỏ mặc một mình trong tình thế vô vọng như vậy.
Tôi giả sử điều đó cũng xảy ra do các bạn của tôi thật sự muốn choc gheo khuyết tật của tôi - nửa đùa nửa thật vậy thôi - nhưng bởi vì tôi không bao giờ nổi giận cho nên rất khó có ai thích tiếp tục chọc ghẹo tôi. “Chân giả” là một biệt danh mà tôi đã được đặt cho ở bậc tiểu học và “Macaroony Điên” là một biệt danh khác ở bậc trung học, nhưng tôi chỉ nghĩ chúng thật buồn cười. Tôi đã không hề nổi giận, cho nên những kẻ bắt nạt chuyên nghiệp không bao giờ có được cơ hội thật sự. Như tôi đã từng nói trước đây, cha mẹ không bao giờ cố che giấu khuyết tật của tôi hoặc chính mình tôi, cho nên tôi đã quen với cách người ta nhìn ngó và hỏi han. Và tôi đã sớm học tập trong đời rằng giá trị của tôi là thực chất bên trong chứ không phải bề ngoài. Tôi không việc gì phải xấu hổ cả!
Thay vào đó tôi tập vận dụng khuyết tật của mình. Khi lớp học của tôi làm những việc lạ mà tôi không thể tham dự được, dù thế nào đi nữa thì tôi vẫn phát minh ra những phương thức để mình có thể tham dự. Tôi không muốn tiêu phí thì giờ tập thể dục bằng cách chỉ ngồi trên một chiếc ghế bên cạnh phòng học; nhưng dĩ nhiên chơi bóng rỗ hoặc bóng chuyền là điều không thể thực hiện được nếu không có cánh tay. Nó cũng đi ngược lại với luật chơi nữa! Nhưng tôi dần dần hiểu rằng mình có thể đóng vai một trọng tài, và như thế dù gì đi nữa tôi cũng có thể dự phần trong cuộc chơi.
Trong những lần chơi khác, thật là thoải mái khi không phải làm gì cả. Chạy quanh khu rừng nhiều giờ trong môn chạy định hướng vào những ngày hội thể thao không phải là điều mà tôi thấy hấp dẫn đặc biệt. Tôi thừa nhận rằng được ngồi ở tại điểm đến và đánh dấu tên những người nào về đích còn thú vị hơn.
Một số trò thể thao đối với tôi không phải là dễ dàng, nhưng bù lại tôi thật giỏi trong việc bơi lội. Tôi đã tham dự trường bơi lội từ khi tôi mới là một đứa trẻ và đã có thì giờ thực tập nhiều hơn tất cả. Cho nên khi tôi lên sáu tuổi và tham dự một ngày hội thể thao trong hồ bơi, bạn cùng lớp của tôi là Torbjưrn và tôi đã được chọn để thi đấu đại diện cho cả lớp. Thật là một ngày trọng đại, tôi nghĩ vậy, bởi vì Torbjưrn và tôi đã thắng năm lớp khác. Thành quả như thế mà phiếu điểm của tôi chỉ được ghi một điểm ‘2’ cho môn thể dục. Tôi nghĩ việc đó thật không công bằng chút nào!
Dù gì đi nữa, những năm ở trường học mà tôi trải qua thật là một khoảng thời gian vô tư lự. Có lẽ cha mẹ tôi mới là người phải chịu những khó khăn lớn lao từ các giới thẩm quyền, ban giám hiệu và những người có trách nhiệm khác, là những người đôi khi nghĩ rằng họ biết rõ tôi hơn cha mẹ tôi. Ví dụ như trong năm tôi lên bảy tuổi, khi tôi đã bắt đầu rất là tự lập, tự mình thay đồ và đi vệ sinh, cho nên tôi không còn cần phải có bất cứ người giúp đỡ nào khác khi đi vệ sinh hoặc thay đổi áo quần trong môn thể dục. Điều duy nhất tôi cần sự giúp đỡ đó là lấy cuốn sách bị trượt quá xa vào trong ngăn tủ hoặc kéo áo khoác lên cao khi gặp lạnh bất thường. Người trợ giúp của tôi thấy tôi đã tự lo liệu được cho chính mình một cách tốt đẹp, nghĩ rằng cô ta quá ít việc làm, cho nên bắt đầu đến giúp đỡ ở trong văn phòng nhà trường thay vì cứ ở bên tôi. Khi tôi kết thúc năm 7 tuổi, cha mẹ điện thoại cho vị hiệu trưởng giải thích trường hợp của tôi: đó là tôi không còn cần phải có người trợ giúp nữa, tôi có thể tự lo hầu hết mọi sự, và tôi đã có thể nhận những sự giúp đỡ từ một người bạn cùng lớp trong những việc nhỏ nhặt mà tôi không thể tự làm. Nhưng hãy tưởng tượng xem! Điều này hoàn toàn không được chấp thuận! Vị hiệu trưởng nghĩ rằng những trách nhiệm lớn lao như thế (lấy cuốn sách từ trong ngăn kéo hoặc giúp đỡ tôi kéo áo jacket lên) không thể nào được giao phó cho những học trò khác. Chúng tôi có nhiều buổi họp bàn luận về vấn đề này, nhưng trường học đã hoàn toàn như sắt đá, không thay đổi. Điều này có nghĩa là tôi phải giữ người trợï giúp cho năm học tám tuổi của tôi nữa mặc dù tôi nghĩ rằng mình không cần đến cô ấy. Chúng tôi gặp nhau mỗi tuần một lần và chỉ chào nhau mà thôi.
Dầu vậy, có lẽ những người ở trong văn phòng rất biết ơn về quyết định nầy, bởi vì họ được nhận sự trợ giúp hoàn toàn miễn phí trọn một năm dài.