Cuộc Đời Lena Maria - Chương 13


CHƯƠNG 13. SAYONARA - NƯỚC NHẬT TRONG LÒNG TÔI

Nước Nhật sẽ luôn luôn chiếm một vị trí lớn lao trong lòng tôi.
Khi tôi đến thăm Nhật Bản lần đầu tiên sau khi hai cuốn phim của tôi được trình chiếu, và sau khi tôi được phỏng vấn trên truyền hình, tôi đã không thể tưởng tượng được nước Nhật tác động trên tôi nhiều đến mức nào. Tôi chỉ muốn được phỏng vấn và thích hát trên một chương trình truyền hình trực tiếp.
Trong cả hai bản tường thuật trên truyền hình trước đây, vì những lý do rất dễ hiểu, mọi điều tôi nói về đức tin của tôi và về Thượng Đế đã bị xóa trước khi cho truyền hình. Xét thấy rằng đã có quá nhiều tôn giáo tại Nhật Bản, cho nên nói một cách tổng quát trong các chương trình của họ, chính sách truyền hình phải tuân thủ nguyên tắc không bao giờ trình chiếu những triết lý của người ta về đời sống. Nhưng bây giờ khi người giới thiệu của chương trình Trạm Tin Tức đã hỏi tôi tại sao tôi có vẻ quá hạnh phúc và có sức mạnh để làm nhiều việc như vậy, tôi không thể nào không nói với ông ta về đức tin của tôi.
Bây giờ mọi người phải biết rằng tôi là một Cơđốc nhân, và ngay lập tức những đại diện của nhiều hội thánh bắt đầu tiếp xúc với tôi và yêu cầu tôi đến hát cho họ. Một người trong số đó là Alf Idland, một tu sĩ Na Uy làm việc tại Kobe đã sống ở Nhật gần hai mươi năm. Ông đã sắp xếp một chuyến đi khoảng hai tuần lễ cho Anders và tôi vào tháng năm 1992. Ông đã trở thành người quản lý của tôi.
Các hội thánh ở nhiều nơi đều ủng hộ cho các buổi hòa nhạc, nhưng không phải mọi người đều tin tưởng như Alf về sự ham thích ưa chuộng dành cho ca sĩ Thụy Điển này. Bởi vì ngoài mọi chuyện nêu trên tôi vẫn còn khá xa lạ đối với họ. Trong thành phố Mishima, khi một nhà truyền giáo Thụy Điển tên là Bo Dellming thuê được một hội trường hòa nhạc lớn nhất cho buổi hòa nhạc của chúng tôi, là nơi có thể chứa được khoảng một ngàn hai trăm người thì hội thánh của ông đã không thể hỗ trợ cho công việc liều lĩnh này, cho nên ông đã phải mạo hiểm tự mình thuê hội trường đó. Tuy nhiên ông đã không phải lo lắng lâu, bởi vì chúng tôi đã có quá nhiều người đến dự trong buổi chiều hôm ấy, đến nỗi chúng tôi phải trình diễn một xuất phụ trội ngay trong cùng buổi chiều đó.
Thật là kỳ diệu! Tất cả các buổi hòa nhạc đều được bán vé, và trong nhiều trường hợp quá nhiều khách đến nỗi chỉ còn chỗ đứng. Nhiều tiếng đồng hồ trước khi diễn, khách dự xếp hàng dài bên ngoài sảnh đường của buổi hòa nhạc. Những người mà chúng tôi chưa từng biết đã đến gặp để xin chụp hình. Anders và tôi hoàn toàn ngạc nhiên sửng sốt, nhưng dần dà tôi bắt đầu hiểu tác động của những chương trình truyền hình là thế nào.
Người Nhật thích lối hát của tôi và cách diễn xuất đôi khi có âm điệu hơi buồn mà tôi đã trình bày, nhưng điều này không phải là lý do duy nhất khiến họ đến các buổi hòa nhạc.
Qua những chương trình truyền hình, nhiều người Nhật đã được cống hiến hình ảnh một con người khuyết tật thật khác biệt với hình ảnh mà trên một phương diện khác họ đã quen thuộc. Đoạn trích sau đây là tiêu biểu cho điều này. Nó được trích từ tờ nhật báo Yomiuri tại Nhật khi một phóng viên truyền hình bình luận về một trong những phim nói đến tôi.
Ngày 19 tháng 6 trong chương trình Trạm Tin Tức buổi chiều, chúng tôi đã xem một phim video về Lena Maria người Thụy Điển là người đang học ở tại nhạc viện để trở thành một ca sĩ... phim video này thật sự đã nói lên rằng giá trị của một con người chính là ở trong linh hồn của người đó.
Và rồi phóng viên đó cho thấy một vài ví dụ khác tương tự:
Trong một cửa hiệu tại Hawaii có một cô gái được người ta hỏi đường đi. Cô gái này bị tàn tật vì thuốc Thalidomide, nhưng cô đã chỉ đường bằng những bàn tay nhỏ của mình. Trong một cửa hiệu khác, có một thanh niên bị câm, nhưng một dấu hiệu đã được chuẩn bị trước ở đó yêu cầu người ta bỏ tiền vào quầy thu ngân.
Nếu chúng ta cư xử theo cách thông thường và giúp đỡ những người này, thì họ cũng sẽ có khả năng làm việc trong điều kiện họ có thể làm được. Chúng ta biết rằng ngay cả những người không bị tàn tật cũng có một số điều làm được tốt hơn những điều khác. Tôi đã khám phá ra rằng những người nước ngoài nhận ra những điều này và cảm thấy thật tuyệt diệu, trong khi đó tôi để ý thấy chúng ta là người Nhật không có nhiều sự đồng cảm như thế.
Thật vậy, tôi nghĩ rằng có lẽ họ cũng có sự cảm thông, nhưng ở tại Nhật người ta cho rằng có một đứa con khuyết tật là một sự xấu hổ lớn. Sự xấu hổ nầy lớn đến nỗi cha mẹ phải giấu đứa con khuyết tật mình hoặc là bỏ nó đi, và là anh em, hoặc chị em của một người khuyết tật cũng có thể gặp khó khăn khi họ muốn lập gia đình. Có ít người khuyết tật được đi đến trường. Hầu hết sống trong những viện từ thiện và bận rộn trong việc nấu nướng, may vá, hoặc sản xuất nhiều thứ khác để có thể bán. Đi vào đại học và sống một cuộc sống tự lập giống như tôi, một người khuyết tật, là một điều gì đó thật vĩ đại trong cái nhìn của người Nhật.
Người Nhật được trưởng dưỡng để thành công. Điều này là sự thật kể từ khi họ còn nhỏ, và phải học cách làm sao đối phó được với hoàn cảnh tranh đua tại trường học, cho đến khi họ lớn khôn và phải thành công trong công việc. Điều này cũng đúng với nước Nhật trên bình diện của một quốc gia. Người ta tỏ ra có hiệu quả lạ thường trong việc theo đuổi bí quyết thành công. Họ có thể du lịch quanh thế giới để có thể ghi nhận được những mánh khóe và những ý tưởng về việc làm thế nào trở nên hữu hiệu và thành công hơn. Họ thường thành công trong những điều họ theo đuổi, và nhiều sản phẩm của người Nhật đã đạt được đỉnh cao trong thị trường quốc tế.
Điều này có lẽ ẩn tàng một lời giải thích nào đó có liên quan đến lý do người Nhật đối với tôi rất quyến rũ - và vẫn còn tiếp tục quyến rũ, bởi vì trong ánh mắt của họ tôi là người thành công. Tôi đang sống một cuộc sống hầu như bất khả thi đối với một người khuyết tật nặng nề. Người Nhật muốn biết điều gì tiềm ẩn đằng sau sự thành công của tôi. Những câu hỏi này cứ được lập đi lập lại luôn luôn mỗi khi tôi được những nhà báo phỏng vấn hoặc khi tôi gặp một người bình thường trên đường phố.
Không phải chỉ nhờ chuyến đi du lịch mà chúng tôi biết được sự hâm mộ này thật lớn lao. Một công ty ghi âm của người Nhật cũng bày tỏ sự hâm mộ của họ ngay từ đầu. Họ bảo đảm rằng đĩa CD mà Anders và tôi đã ghi âm bằng Anh Ngữ đã được in sang với bao bì bên ngoài bằng tiếng Nhật, và chẳng bao lâu công ty này muốn chúng tôi thực hiện ghi âm một phiên bản mới.
Khi thực hiện đĩa CD đầu tiên, Anders và tôi có một ngân quỹ thật nhỏ bé, nhưng lần thực hiện thứ hai này thực sự trở thành một sản phẩm lớn lao. Vào khoảng 60; nhạc sĩ dự phần với đàn violon, các nhạc cụ bằng hơi, các nhạc cụ gõ, guitar, bass, đàn thụ cầm và thật nhiều loại nhạc cụ và âm hưởng khác, Anders và tôi cũng đến tận Hollywood và ghi âm một vài bài hát cùng với nhạc sĩ Tây Ban Cầm Larry Carlton, và nhạc sĩ dùng dụng cụ gõ tên là Alex Acuna. Tôi cũng sáng tác nhiều bài hát hoặc cùng sáng tác với Anders, bởi vì sản phẩm âm nhạc này có tựa đề là Đời Sống Tôi.
Và rồi Đời Sống Tôi trở thành một cuốn sách. Nó được viết bởi một tác giả người Nhật sống tại Thụy Điển để phỏng vấn tôi trong vòng một tuần qua một phóng viên. Nhưng như thế cũng chưa đủ, hai cuốn sách khác cũng đã được viết. Một viết về cha mẹ tôi và quan điểm của họ đối với người khuyết tật, và cũng có một sách của trường học dành cho các trẻ em bậc tiểu học. Tại Nhật Bản, trẻ con được giao cho một cuốn sách như bài thực tập để chúng đọc trong những ngày nghỉ mùa hè. Đó là cuốn sách mà chúng phải viết luận văn, và sách của tôi được chọn giữa vòng nhiều quận có trường học ở Nhật với mục tiêu này. Thêm vào đó, một cuốn sách nhỏ bỏ túi đã được xuất bản bằng tiếng Anh và được dùng trong giờ dạy tiếng Anh ở các trường học.
Thỉnh thoảng tôi lôi ra được tất cả những cuốn sách này với những tranh bìa đủ màu về tôi và gia đình tôi, nhưng được viết với những tính cách mà tôi không hiểu một chút nào cả, và vì trang trước của họ được đặt ở nơi mặt lưng cho nên thường rất đáng chú ý.
Trong thời gian viết sách tôi đã thực hiện sáu chuyến du lịch khác nhau tại Nhật Bản. Tôi đã thực hiện cả những chuyến đi dài ngày và ngắn ngày. Thỉnh thoảng cùng đi với Anders, trong những trường hợp khác đi chung với ba người, hoặc với một dàn nhạc giao hưởng. Thường có nhiều cuộc sắp xếp vĩ đại với nhiều người tham dự. Trong một chuyến du lịch năm 1995, khi tôi cùng hát với bộ ba nhạc Jazz của Anders Wihk, chúng tôi có 40 người cùng đi để lo về âm thanh, ánh sáng và sân khấu, nhà làm phim Sven - Eric Frick và Henrik Burman khi ở Nhật trong chuyến đi nầy nói rằng chuyến đi thật vĩ đại như The Rock Train.
Nhưng trong chuyến đi này có vài điều rất buồn đã xảy ra. Alf Idland, người quản lý của chúng tôi bị đau ung thư. Bởi vì ông biết rằng ông sẽ không thể thích ứng với vai trò làm người quản lý, ông đã phải chuyển giao trách nhiệm cho những người khác ngay trong giai đoạn đầu và thỉnh thoảng chỉ đến thăm chúng tôi mà thôi. Dù sao, ông có vẻ rất khỏe, tưởng chừng như đã có thể thắng hơn bệnh tật của mình.
Tuy nhiên, mọi sự đã không như vậy. Bệnh tật đã lấn lướt được ông và ông chết trong giấc ngủ ngay tại đỉnh cao của chuyến đi. Đây là một tin rất buồn. Chúng tôi đã hủy bỏ buổi hòa nhạc trong hai ngày để có thể dự lễ tang của ông. Thật khó nghĩ khi phải chịu mất Alf, trong cương vị là một người bạn và là người quản đốc của chúng tôi.
Rồi những chuyến đi trong tương lai của chúng tôi sẽ ra thể nào? Điều này có vẻ vô định trong một khoảng thời gian. Nhưng khi chúng tôi hỏi bạn chúng tôi là Katsutada Sugitani, thì chẳng bao lâu sau đó chúng tôi được trả lời một cách tích cực. Anh đã thường xuyên làm cố vấn cho Alf Idland, và nhờ đó có sự thành thạo tương đương trong những công việc đã diễn ra. Anh tiếp quản công việc quản lý và đã giúp đỡ chúng tôi thật nhiều kể từ khi ấy.
Sự quan tâm của người ta đối với tôi có vẻ lâu bền. Nhận được sự chú ý thật thú vị, nhưng đồng thời nó cũng có nhiều đòi hỏi. Lúc nào tôi cũng được người ta chú ý, cho nên tôi phải suy nghĩ cẩn thận về điều mình làm và cách tôi trình diễn. Dường như tôi phải ở trước công chúng cả ngày đôi khi cả đêm nữa. Bên cạnh đó, khó có thể thật sự làm quen hoặc hiểu biết được người nào một cách sâu xa.
Đôi khi tôi đã thật sự suy nghĩ về việc chuyển đến “xứ sở mặt trời”, nhưng tôi không nghĩ nó có thể hoạt động lâu dài. Tuy nhiên, nước Nhật đã là một nơi đặc biệt trong trái tim tôi. Tôi tin rằng mình đã có thể cống hiến cho nhiều người một thái độ mới về người khuyết tật, và có lẽ tôi cũng đã có thể đem lại cho họ một sự hiểu biết về đức tin Cơ đốc là thế nào. Đồng thời tôi đã được học thật nhiều điều, và gặp nhiều người thật đáng chú ý, cũng đã có nhiều kinh nghiệm lý thú.
Hoàn toàn có thể nói niềm vui lớn lao nhất và kinh nghiệm lạ lùng nhất mà tôi có ấy là tôi đã thực thụ làm việc cho truyền hình - cùng với ông già Noel Santa Claus ở Thụy Điển!
Sau trận động đất lớn tại Kobe thì chương trình TV băng tầng Asahi được tiếp cận, muốn tôi dự phần trong một chương trình sẽ được phát sóng trong lễ Giáng Sinh. Một chuyến đi nọ, tôi cùng đi với đội truyền hình để thăm một vài sắc dân sống tại phần đất của Kobe, là những người bị thiệt hại nặng nề nhất. Tôi đã đến thăm một hội thánh trong túp lều tạm thời đã được dựng lên bằng những ống các tông rất lớn. Tôi đã được phỏng vấn và yêu cầu hát với đám trẻ tại đó cho một chương trình truyền hình đặc biệt Giáng Sinh năm 1995.
Nhưng trẻ em Kobe cũng còn những cơ hội khác để tiếp xúc với Thụy Điển. Đang trong niên học, một lớp học Thụy Điển đã thực hiện nhiều tranh vẽ và đã gởi đến các trẻ em tại Kobe. Đây là lý do vì sao hoa hậu Thụy Điển cùng với giám đốc của “Tomteland” (là vùng đất của ông già Noel) Thụy Điển đến Kobe để trao tặng các bức vẽ.
Ngày 22 tháng 12, tôi đi đến “Tomteland” bên ngoài Mora trong tỉnh Dalarna (Darlicarlia) để dự phần trong một màn diễn xuất truyền hình với kỹ thuật tiên tiến. Trong chương trình này, một trong những chương trình phổ biến nhất tại Nhật Bản là chương trình truyền hình trực tiếp, tôi phải nói cho trẻ con Nhật về nơi tôi đang đến thăm, và diễn ra cùng lúc một phụ nữ trong phòng thâu hình của truyền hình Nhật Bản thông dịch cho tôi.
Phần tiếp theo của chương trình họ trình chiếu một bản tường thuật về chuyến viếng thăm của tôi đến Kobe và trao tặng những bức vẽ. Nhưng sau đó diễn đến phần hết sức hấp dẫn. Tôi đã hát thánh ca Đêm Yên Lặng đứng ở ngoài trời dưới mưa tuyết trong rừng Darlicarlia đồng thời tôi (hay nói đúng hơn giọng hát của tôi được truyền thông qua vệ tinh) được đệm nhạc bởi một nhạc sĩ dương cầm đang ngồi ở tại Kobe.
Bởi vì phải mất thời gian cho âm thanh có thể truyền giữa Á châu và Âu châu, tuy có những tiến bộ khoa học đã thực hiện được, tôi vẫn không thể lắng nghe tiếng đàn piano phụ họa cho nên người nhạc sĩ dương cầm phải phụ họa với giọng ca của tôi mà thôi. Chúng tôi chưa từng có thì giờ để tập dượt với nhau cho nên pha trình diễn có một vài chi tiết nhỏ bất ổn thôi. Tất cả đều phải thực hiện trên màn truyền hình trực tiếp.
Mọi việc diễn ra thật xuất sắc, nhưng trước đó tôi chưa từng làm và sau đó cũng không còn dự phần lần nào giống như vậy nữa.